Tây Ninh rót gần 1.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng cao tốc TP HCM - Mộc Bài

Nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách tỉnh Tây Ninh, dùng đền bù đất ở, đất nông nghiệp, nhà cửa, vật kiến trúc và cây trồng, vật nuôi.

Ngày 14/11, UBND tỉnh Tây Ninh họp và thông qua tờ trình của Ban quản lí (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh (dự án), liên quan việc thực hiện đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đoạn qua địa phận tỉnh này. Các hạng mục được thông qua bao gồm về quy mô, số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo ông Đặng Hoàng Chương - Giám đốc BQL dự án, đoạn cao tốc TP HCM - Mộc Bài qua tỉnh Tây Ninh có chiều dài 26,3 km, điểm đầu giáp ranh giữa huyện Củ Chi (TP HCM) và huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), điểm cuối kết nối với Quốc lộ 22 hiện hữu, trước cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khoảng 2 km về phía Bắc.

Trên địa phận tỉnh Tây Ninh, đường cao tốc đi qua 3 huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Bến Cầu.

1

Quốc lộ 22 trên địa phận tỉnh Tây Ninh. Hiện nay Quốc lộ 22 là tuyến đường độc đạo nối tỉnh này với TP HCM. (Ảnh: Bộ GTVT).

Sau khi hoàn thành, đoạn cao tốc qua tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe chạy, mỗi làn rộng 3,75 m với tốc độ thiết kế 120 km/h. Dải phân cách giữa của tuyến là 3 m, dải an toàn 2 bên, mỗi bên 0,75 m. Ngoài ra, tuyến còn có dải dừng xe khẩn cấp 2 bên, mỗi bên 3 m; lề trồng cỏ 2 bên, mỗi bên 0,75 m.

Ông Chương cho biết, diện tích đất được thu hồi để thực hiện đoạn cao tốc qua tỉnh dự kiến là 223,82 ha. Số tiền dự kiến dùng cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng gần 1.000 tỉ đồng, trích từ ngân sách tỉnh.

Trong đó, 103 tỉ đồng nhằm đền bù đất ở, đất nông nghiệp là 200 tỉ đồng. Tỉnh còn sử dụng 200 tỉ đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, 110 tỉ còn lại là kinh phí bồi thường cây trồng, vật nuôi.

Trước đó, ngày 14/10, dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và giao UBND TP HCM triển khai thực hiện. Bộ GTVT và UBND tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm phối hợp triển khai dự án.

Toàn tuyến cao tốc có tổng chiều dài 53,5 km, điểm đầu là nút giao thông đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP HCM), đi song song với quốc lộ 22, điểm cuối cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài 2k m về hướng phía Bắc.

Theo thiết kế hoàn chỉnh, tuyến cao tốc đoạn TP HCM có 8 làn xe, đoạn qua tỉnh Tây Ninh có 6 làn.

Khi hoàn thành cao tốc, từ TP HCM tới cửa khẩu Mộc Bài chỉ mất khoảng 1 giờ, có ý nghĩa rất quan trọng để giảm chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn kết nối với đường vành đai 3, 4 và đường Hồ Chí Minh, nên phương tiện từ các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên sẽ dễ dàng tới cửa khẩu, góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với nước bạn và cả khu vực ASEAN.

Ngày 26/10 vừa qua, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh và UBND TP HCM tổ chức Hội nghị kí kết kế hoạch triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài.

Theo đó, các bên cam kết sẽ tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, bảo đảm đến năm 2025 sẽ đưa vào sử dụng tuyến đường này, góp phần giảm áp lực vận tải cho quốc lộ 22, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội hai địa phương và khu vực.

Hiện, tuyến đường độc đạo nối TP HCM với tỉnh Tây Ninh là Quốc lộ 22 (còn gọi là đường Xuyên Á) đang lâm vào tình trạng quá tải, ùn tắc nghiêm trọng và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.