Thảm họa vỡ đập thủy điện tại Lào

Hàng trăm người mất tích và có thể ít nhất 28 người thiệt mạng sau khi khu phức hợp đập Xe Pian-Xe Namnoy bị vỡ tại Lào.
tham hoa vo dap thuy dien tai lao
Các nạn nhân bị cô lập do vỡ đập (ẢNH: CHÍNH QUYỀN TỈNH ATTAPEU)

Hãng thông tấn KPL hôm qua đưa tin lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm các nạn nhân sau khi đập thủy điện tại dự án Xe Pian-Xe Namnoy thuộc tỉnh Attapeu của Lào bất ngờ bị vỡ khiến hàng trăm người mất tích.

Nước ngập sâu 10 m

Theo KPL, vụ vỡ đập khiến “một số người thiệt mạng và vài trăm người mất tích”. Các nguồn tin chưa xác nhận nói đã tìm được 28 thi thể và ít nhất 100 người mất tích. Trong khi đó, trả lời riêng Thanh Niên vào tối qua, bà Bounnan Bounaseng, Giám đốc Sở Thông tin - Văn hóa - Du Lịch tỉnh Attapeu, cho biết lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 27 nạn nhân. “Có 11 làng tại huyện Sanamxay bị ảnh hưởng. Trong số đó, có 6 làng gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất là Mai, Hinlath, Samong, Thae, Khokkong và Thasengchan. Mực nước dâng lên cao đến khoảng 10 m tại 6 ngôi làng này”, bà nói thêm.

Thanh Hằng

Thảm họa xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 23.7 (giờ địa phương) khiến 5 tỉ m3 nước đổ ập xuống và cuốn trôi nhiều nhà cửa ở phía nam huyện Sanamsay. Hiện công tác cứu hộ gặp nhiều thách thức do đi lại và liên lạc rất khó khăn. Ban cứu hộ trung ương Lào đang phối hợp với cơ quan các tỉnh Xekong, Attapeu và Sư đoàn 5 quân đội Lào triển khai chiến dịch cứu hộ... Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã hoãn phiên họp chính phủ định kỳ tháng 8 tới huyện Sanamxay để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó.

Hình ảnh tại hiện trường cho thấy rất nhiều nạn nhân, trong đó có những người ẵm theo trẻ con chen chúc nhau trên những chiếc xuồng gỗ được đưa đi khỏi vùng bị ngập. Trong khi đó tại một số nơi, nhiều người bị cô lập trên mái nhà giữa biển nước đục ngầu. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một phụ nữ vật vã khóc vì chồng bà đã mất tích, trong khi đứa bé trên tay chưa rõ sống chết.

Theo chính quyền tỉnh Attapeu, hiện khoảng 1.300 gia đình với hơn 6.600 người đang lâm vào cảnh mất nhà. Giới chức kêu gọi viện trợ khẩn cấp cho các nạn nhân bị ảnh hưởng, cần kíp nhất là nước uống, thực phẩm, quần áo và thuốc men. Chính quyền Thái Lan cho biết sẽ cử chuyên gia cứu hộ tham gia tìm kiếm các nạn nhân.

Theo AFP, chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ việc nhưng Công ty điện lực Ratchaburi đưa ra thông tin ban đầu cho biết trước đó công ty đã được thông báo một con đập phụ dài 770 m dùng để chuyển nước đã bị vỡ do mưa lớn kéo dài nhiều ngày. “Sự cố xảy ra do mưa lớn kéo dài khiến một lượng nước lớn chảy vào hồ chứa nước của dự án”, thông cáo của công ty viết. Một bên khác trong liên doanh là SK E&C (Hàn Quốc) đã cử đội ứng cứu tình huống khẩn cấp đến Lào và sẽ đưa trực thăng từ Thái Lan sang, còn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo: “Có 53 công dân của chúng tôi tham gia xây dựng dự án đã di tản kịp thời trước đó”.

tham hoa vo dap thuy dien tai lao

Các nạn nhân bị cô lập do vỡ đập (Ảnh: Chính quyền tỉnh Attapeu)

Có doanh nghiệp VN là thầu phụ

26 công nhân Hoàng Anh Gia Lai bị cô lập

Hiện có 26 công nhân của Công ty Hoàng Anh Gia Lai bị cô lập tại huyện Paksong, tỉnh Champasak do ảnh hưởng của thảm họa vỡ đập ở tỉnh Attapeu. Tỉnh Champasak nằm giáp với tỉnh Attapeu về phía đông. Hiện Hoàng Anh Gia Lai đang liên hệ để thuê trực thăng đưa các công nhân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng sớm nhất là trong sáng nay 25.7.

TTXVN

Theo trang Power Technology, dự án đập Xe Pian-Xe Namnoy có công suất 410 MW được xây dựng bởi Công ty điện lực Xe Pian-Xe Namnoy (PNPC), dự kiến cung cấp khoảng 1.860 GWh hằng năm. PNPC là liên doanh thành lập vào tháng 3.2012 giữa Công ty SK E&C, Korea Western Power (Hàn Quốc), Công ty điện lực Ratchaburi (Thái Lan) và Tập đoàn tài chính Lao Holding State Enterprise của Lào. Đáng chú ý, có doanh nghiệp VN là Công ty cổ phần Xây dựng và Nhân lực VN (CMVietnam) tham gia làm thầu phụ dự án này. Theo website của công ty, CMVietnam ký hợp đồng với tổng thầu SK E&C thi công gói 9 với giá trị hợp đồng là 7,9 triệu USD, thời gian thi công 3 năm.

Với tổng vốn đầu tư 1,02 tỉ USD (23.685 tỉ đồng), đây là dự án đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT. Sau khi hoàn tất nghiên cứu khả thi vào năm 2008, dự án động thổ vào tháng 2.2013 và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019. Theo AFP, dự án nằm trên diện tích 238 ha đất bao gồm 3 đập xây trên các con sông Houay Makchanh, Xe-Namnoy và Xe-Pian. Đập chính Xe Namnoy cao 73 m, dài 1.600 m, chứa nước được tích trữ từ 2 đập phía trên. Dự án sẽ bán 90% sản lượng điện sang Thái Lan, trong khi phần còn lại sẽ cung cấp cho lưới điện trong nước và PNPC sẽ quản lý và vận hành trong vòng 27 năm.

tham hoa vo dap thuy dien tai lao

Một khu vực chìm trong biển nước tại tỉnh Attapeu sau thảm họa vỡ đập (Ảnh: AFP)

Cả 3 con sông đều là các phụ lưu của sông Mê Kông, nằm trên cao nguyên Bolaven phía đông nam Lào. Cao nguyên này chạy dọc giữa dãy Trường Sơn ở VN về phía đông và dòng chính sông Mê Kông ở phía tây. Vì thế, nước lũ hiện theo 3 con sông chảy vào sông Mê Kông đoạn giáp với biên giới Campuchia.

tham hoa vo dap thuy dien tai lao

Vị trí địa phương xảy ra thảm họa vỡ đập (Nguồn: Google Earth)

VN sẵn sàng hỗ trợ Lào khắc phục hậu quả vỡ đập

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 24.7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi điện thăm hỏi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và Thủ tướng Thongloun Sisoulith. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có điện thăm hỏi gửi Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Lào và khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân VN sẵn sàng hỗ trợ nhân dân Lào anh em khắc phục hậu quả.

Trao đổi với PV Thanh Niên tối 24.7, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị VN sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã có chỉ thị cho Quân khu 5, Quân đoàn 3, Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh đoàn 18 chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả vỡ đập thủy điện khi Lào có đề nghị hỗ trợ.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện VN tại Lào theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để cập nhật thông tin về người VN hoặc kiều bào tại khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời sẵn sàng có các biện pháp hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Công dân VN bị ảnh hưởng trong trường hợp cần thiết, đề nghị liên hệ số điện thoại bảo hộ công dân tại Lào (008562096106775) hoặc tại VN (0084981848484).

Vũ Hân - Phan Hậu

Người Việt tại Attapeu di tản

Theo thông tin từ một số người Việt đang sinh sống tại tỉnh Attapeu, những người đang sinh sống tại vùng hạ du của tỉnh được yêu cầu di tản đề phòng trường hợp khẩn cấp tiếp theo.

Trả lời Thanh Niên, chị Đỗ Thị Lan (32 tuổi, quê Ninh Bình) tại Sanamxay cho biết mưa không ngớt suốt một tuần nay và dân cư không kịp trở tay khi lũ tràn về. Suốt từ sáng qua, gia đình chị từ Ninh Bình liên tục gọi điện qua hối thúc trở về nhà. Tuy nhiên vì lũ đến quá bất ngờ, chị không kịp di chuyển đồ đạc và mang theo các tài sản có giá trị nên không thể về quê ngay. Hiện tại, vợ chồng chị cùng 2 con nhỏ sẽ tá túc ở nhà người quen chờ khi nước rút.

Còn anh Nguyễn Văn Thắng (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho hay: “Hầu hết người dân ở khu vực bị lũ không kịp mang theo bất kỳ đồ đạc gì. Trong số những người tôi quen có 2 người hiện chưa rõ tung tích. Từ trưa tới giờ chúng tôi đã cố gắng liên lạc nhưng không có bất cứ tin tức nào. Một số gia đình người Việt đang sinh sống tại Lào có con nhỏ cũng đang gấp rút gửi con về VN, còn bản thân họ phải ở lại để tiếp tục chờ đợi thông tin từ người thân và trực để gom lại đồ đạc sau khi nước rút”. Anh Thắng cho biết thêm: “Hiện tại khu vực nhà tôi bao quanh là nước. Chúng tôi hoàn toàn không biết tới khi nào nước sẽ rút. Việc duy nhất có thể làm bây giờ là chờ đợi”.

Mặt khác, thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, nhận định: Sự cố vỡ đập thủy điện ở tỉnh Attapeu có thể không ảnh hưởng nhiều đến hạ lưu vùng Mê Kông cũng như các tỉnh ĐBSCL.

Lam Ngọc - Đình Tuyển

tham hoa vo dap thuy dien tai lao Ông Hoàng Văn Thắng: 'Sự cố thuỷ điện ở Lào không ảnh hưởng lớn đến Việt Nam'

5-8 ngày nữa nước từ thuỷ điện mới có thể tác động tới Việt Nam với mức dâng khoảng 5 cm.

tham hoa vo dap thuy dien tai lao Nỗ lực cứu hộ người dân Lào sau sự cố vỡ đập thủy điện

Quan chức Lào cho biết khu vực đang bị bủa vây bởi biển nước đục ngầu cũng là vùng không có sóng điện thoại, nhóm ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.