Nhiều người Camphuchia làm ăn, sinh sống tại Sài Gòn, coi ngôi chợ này như một điểm đến quen thuộc. |
Ẩn mình trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP HCM), có một khu chợ đặc biệt của người Campuchia định cư từ những năm 1970 mà người dân vẫn thường gọi (chợ Miên). Chợ nhỏ, tuy nhiên cảnh mua bán khá tấp nập với đủ các mặt hàng. Đặc biệt là các loại cá khô, mắm đặc sản của đất nước Chùa Tháp.
“Đã hơn 40 năm nay, tuần nào cô Seng Lim (tên tiếng việt Thái Kim Sinh) nhà quận 1 cũng phải xuống khu chợ này, trước còn khoẻ thì chạy xe xuống, giờ lớn tuổi cũng tranh thủ bắt xe bus để đi, đôi khi chỉ ăn tô bún hay chén chè rồi về. Thế nhưng, không đi thì nhớ không chịu nổi, chừng nào còn đi được thì còn đi”, cô chia sẻ.
Những thế hệ thứ 2 cũng gắn bó với ngôi chợ này. |
Trước năm 1970 chiến tranh loạn lạc rất nhiều người Campuchia đã lưu lạc sang Việt Nam thế rồi họ thành lập lên khu chợ này, những món hàng vốn chỉ có ở quê hương đã được các tiểu thương mang qua đây phục vụ chính những người tha hương. “Khi rời quê hương cô mới hơn 20 tuổi thế mà giờ đã 70 rồi, những món mắm, khô, chè tuổi thơ vẫn thường ăn giờ chỉ có tới khu chợ này mới có” cô Seng Lim chia sẻ.
Những món đặc sản của người Campuchia từ lâu đã làm mê mẩn nhiều người Sài Gòn. |
Cá khô biển Hồ, rau sầu đâu... làm nhiều người nhớ mãi. |
Đến ngôi chợ này không khó để bắt gặp những người trẻ, thế hệ thứ hai nối tiếp mưu sinh tại đây. Chủ sạp khô Hai Nhỏ cho biết, cha mẹ chị là người Campuchia làm chủ. Tới nay, khi cha mẹ già yếu thì truyền lại cho chị quản lý. Toàn bộ thực phẩm được nhập 100% từ Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Quán chè Cô Có có tuổi đời gần nửa thế kỷ. |
Đối diện bên kia là quán chè Cô Có cũng có tuổi đời gần nửa thế kỷ mỗi ngày đón cả trăm khách hàng từ khắp nơi. “Nguyên liệu làm nên các loại chè đều được mang từ quê hương tới. Mới đầu chỉ phục vụ cho người dân bản xứ, tuy nhiên với hương vị đặc trưng nên hiện tại rất nhiều khách ở khắp nơi tìm đến thưởng thức”.
"Mẹ tôi kể, thời gian đầu đến đây, gia đình gặp khó khăn về giao tiếp với người Việt. Tuy nhiên, lâu dần cũng thành quen, món đặc sản này được nhiều người đón nhận, gia đình bắt đầu làm ăn khấm khá hơn. Cho tới nay, mỗi ngày tôi bán được hàng trăm chén chè", cô Có tâm sự.
Những món chè đặc biệt chỉ có ở ngôi chợ này. |
Nhiều người trẻ Sài Gòn cũng tím đến ngôi chợ đặc biệt này để thưởng thức thứ quà quê lạ miệng. |
Đến với chợ Miên, không chỉ để mua đồ hay ăn uống mà những người xa xứ như cô Sinh đến ngôi chợ đặc biệt này chỉ đơn giản để giao tiếp với nhau nhau bằng tiếng mẹ đẻ cho đỡ nhớ quê hương.
Cộng đồng Campuchia trong chợ rất đa dạng, họ có thể là những người Campuchia chính gốc, sống ở Việt Nam lâu năm nên xem đất khách như là quê hương thứ hai, lấy vợ, lấy chồng là người Việt dẫu vẫn còn xuôi ngược về quê nhà để trao đổi hàng hóa. Có những người là thế hệ thứ hai, là con lai chỉ còn biết đến Campuchia qua những thứ họ bán hàng ngày để mưu sinh.
Tiểu thương gốc Campuchia ở chợ sống, làm ăn xen kẽ hòa đồng với người Việt. Họ buôn bán tuy không nói nhiều nhưng chịu khó, thật thà, rất biết cách cưu mang nhau. Người Campuchia buôn bán theo hình thức gia đình quần tụ, cha truyền con nối để truyền thống bản quán không bị mai một.
Những bạn trẻ thích thú với những món ăn độc lạ của khu chợ. |
Không chỉ người gốc Campuchia sinh sống và buôn bán, ở đây cũng là nơi tụ họp của cộng đồng người Campuchia đang sinh sống khắp Sài Gòn mỗi khi nhớ món quê, chủ một sạp khô cho biết. “Sở dĩ món nghề được cha mẹ truyền lại còn trụ vững đến ngày nay cũng do cộng đồng người bản sứ sinh sống ở Việt Nam mua bán ủng hộ nhau”.
Những ngôi chợ độc đáo như chợ Miên vẫn tồn tại theo thời gian cùng với những biến cố của lịch sử đã tạo cho Sài Gòn một nét rất riêng. Sài Gòn vẫn là nơi cưu mang không chỉ những số phận khốn khó khắp nơi mà cả những người con "lánh giềng" cũng coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của họ.