Thanh Hóa lùi tiến độ xây dựng cụm công nghiệp Phúc Thịnh

UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh tiến độ đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Phúc Thịnh, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 thay vì 2021 như kế hoạch trước đó.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp (CCN) Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc do CTCP 1268 làm chủ đầu tư.

Cụ thể, giai đoạn 1, diện tích thực hiện là 23 ha, hoàn thành toàn bộ các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng (GPMB), giao đất giai đoạn 1 dự án trước 30/6/2023, khởi công xây dựng chậm nhất vào tháng 7/2023. Trước tháng 9/2024, chủ đầu tư cần hoàn thành hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn 1 (đảm bảo đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để sản xuất kinh doanh trong CCN).

Đối với giai đoạn 2 của dự án, công tác hoàn thành GPMB, giao đất (diện tích còn lại dự án) cần trước ngày 31/12/2024. Khởi công xây dựng chậm nhất vào tháng 12/2024. Chủ đầu tư cần hoàn thành hạ tầng kỹ thuật CCN toàn bộ dự án (đảm bảo đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để sản xuất kinh doanh trong CCN) trước tháng 3/2025.

Như vậy, UBND tỉnh đã lùi tiến độ hoàn thành dự án chậm hơn so với kế hoạch gần 4 năm, thay vì hoàn thành vào tháng 6/2021 (tại văn bản thành lập CCN năm 2019).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu CTCP 1268 hoàn thành việc chuyển kinh phí chi trả bồi thường, GPMB cho Hội đồng GPMB huyện Ngọc Lặc trước ngày 30/11 năm nay.

Thông tin về dự án, tổng diện tích thực hiện khoảng 50 ha, nằm tại xã Phúc Thịnh và xã Kiên Thọ. Ngành nghề hoạt động của CCN Phúc Thịnh gồm nhóm các dự án may mặc, giày da; điện, điện tử, viễn thông, điện lạnh; chế biến thực phẩm, nước giải khát; chế biến gỗ (không nấu, tẩm), giấy; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông sản; văn phòng phẩm; chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; sản xuất các sản phẩm nhựa (ngành nước, gia dụng, công nghiệp) với điều kiện nguyên liệu sử dụng sản xuất là hạt nhựa; sản xuất các sản phẩm kim loại, linh kiện, phụ kiện kim loại ngành nước với điều kiện trong quy trình sản xuất không có công đoạn nấu luyện kim loại, xi mạ và các ngành nghề khác có liên quan.

Tổng mức vốn đầu tư dự án khoảng 269,5 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là 60 tỷ đồng, vốn vay, hỗ trợ khác là 209,5 tỷ đồng.

Về CTCP 1268, doanh nghiệp này thành lập năm 2015 tại quận Lê Chân, Hải Phòng, lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là thu gom rác thải không độc hại. Ông Lê Khắc Hòa là người đại diện pháp luật của công ty. Vào tháng 1/2019, công ty thành lập một chi nhánh tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa do ông Nguyễn Mạnh Tuấn đứng tên, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.