Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm: ACV vẫn tiếp tục thu phí dừng, đỗ

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố Kết luận thanh tra liên quan đến khoản tiền sai phạm 3.600 tỷ đồng tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong đó có trên 550 tỷ đồng được thu từ hàng vạn ô tô đón, trả khách. Kết luận sai phạm là thế song ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, ACV vẫn tiếp tục thu tiền từ tài xế.

Thu sai trên 550 tỷ đồng

Theo bản Kết luận của TTCP, trong hai năm 2014 và 2015, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221 m2, tổng số tiền thu về là 701,1 tỷ đồng. Tất cả trường hợp này đều được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai. Bên cạnh đó, ACV còn sai phạm trong việc lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không.

Cụ thể, kết luận TTCP chỉ ra, chi nhánh cảng hàng không đang thu tiền sử dụng sân bay đường dẫn vào nhà ga đối với ô tô đưa đón, trả khách là không đúng quy định của pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền thuế sử dụng đất từ năm 2012 - 2015 với số tiền 550.959 triệu đồng (550 tỷ đồng). Kết luận TTCP khẳng định, trách nhiệm này thuộc về ACV-21.

Theo kết luận của TTCP, hiện có tới 21/22 cảng do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3-5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt 7.000-30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 đến 1.650.000 đồng.

Chỉ tính từ ngày 1/10/2012 đến 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào cảng hàng không là trên 550 tỷ đồng. Tại TPHCM, số liệu báo cáo của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho thấy, năm 2014 có khoảng 22.400 ô tô/ngày ra vào sân bay. Với mức thu thấp nhất là 10.000 đồng/lượt xe, bình quân cảng này thu ít nhất được hơn 220 triệu đồng/ngày, hơn 80 tỷ đồng/năm. Việc thu phí này diễn ra liên tục từ năm 2002 đến nay.

Dù TTCP đã kết luận về khoản thu phi lí này, tuy nhiên, ngày 11/1, ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, việc thu phí ô tô của tài xế đón trả khách vẫn diễn ra tấp nập tại sân bay Nội Bài. Theo đó, từ phía sân bay đi ra được chia thành 7 làn phương tiện với 7 chiếc cabin thu tiền của tài xế. Cụ thể, đối với người hành nghề taxi phải trả 15.000 đồng/lượt xe ra vào sân bay Nội Bài. Đối với xe đến 9 chỗ, xe tải đến 1,5 tấn chịu phí là 15.000 đồng trong thời gian 60 phút. Sau 30 phút, mỗi giờ tính thêm 5.000 đồng. Các loại xe lớn hơn có mức đóng cao hơn, tới 30.000 đồng. Dĩ nhiên, dù xe chỉ vào sân bay trả khách và đi ngay trong vài phút cũng bị thu 15.000 đồng. Tại sân bay Phú Quốc, xe 4 chỗ là 15.000 đồng/lượt và xe 7 chỗ là 20.000 đồng/lượt.

Sai nhưng vẫn tiếp tục thu tiền

Liên quan những sai phạm như TTCP đã chỉ ra, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc, ACV nói: Hiện nay ACV vẫn đang thu phí đón, trả khách và đã báo cáo Chính phủ và bộ GTVT. Vừa qua, Chính phủ giao cho Bộ GTVT chủ trì phối hợp Bộ Tài chính xem xét và có những nhìn nhận cụ thể về việc này. Đối với Kết luận TTCP, chúng tôi đã có giải trình, báo cáo vấn đề là cơ chế Nhà nước phải có hướng dẫn rõ ràng. Việc Nhà nước giao cho Cảng thì tất cả hạ tầng ACV phải có trách nhiệm đầu tư, sửa chữa và đảm bảo công trình để phục vụ cho khách đi vào. Trả lời câu hỏi “một đoạn đường chưa tới 500m đi vào cảng nhưng lại đưa ra mức thu quá cao, liệu có hợp lý?”, ông Lê Mạnh Hùng cho rằng: Tùy từng sân bay, phải tính cả hệ thống cầu cạn lên xuống, đèn, an ninh, an toàn... từ trước đến nay vẫn thu tiền.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, khi xây dựng giá đã tham khảo giá các dịch vụ tương đồng ở các địa phương có sân bay, có đăng kí và niêm yết giá dịch vụ theo quy định. Ông Hùng cho rằng, việc thu phí là không cao và hợp lý. Phóng viên hỏi tiếp, “như vậy nội dung đề cập trong Kết luận TTCP không đúng(?), với câu hỏi này, ông Lê Mạnh Hùng nói: Kết luận TTCP không phải sai. Thanh tra chỉ đề nghị các cơ quan chức năng phải có những hướng dẫn cơ chế phù hợp đối với việc thu phí tài xế đón, trả khách…, ông Hùng nói.

ACV có phải hoàn trả tiền cho tài xế?

Đối với khoản tiền trên 550 tỷ đồng, TTCP đã chỉ ra ACV đã thu phi lí, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật TNHH Trường Lộc cho rằng: Việc thu tiền dịch vụ từ các cảng hàng không là quan hệ giao dịch dân sự giữa các cảng hàng không với lái xe. Việc thu phí này đã được TTCP xác định trái pháp luật. Luật sư Tuấn phân tích: Theo quy định của Điều 117, Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự có mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật mới được xem là giao dịch có hiệu lực.

Theo Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp giao dịch dân sự vi phạm pháp luật sẽ bị xem là vô hiệu và xử lý theo quy định của Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, bên thu tiền trái pháp luật phải hoàn trả lại cho bên bị thu tiền. Như vậy Cảng hàng không phải trả lại tiền cho các lái xe” - luật sư Tuấn nói.

Giá dịch vụ dừng, đỗ ô tô tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài:

Với 60 phút đầu tiên: Ô tô đến 9 chỗ phải trả 15.000 đồng/lượt; Xe ô tô từ 10-16 chỗ, xe bán tải, xe tải trên 1,5 tấn – 3,5 tấn: 20.000 đồng/lượt; Ô tô từ 17-29 chỗ, xe tải trên 3,5 tấn đến 7 tấn: 30.000 đồng/lượt: Ô tô từ 30 chỗ trở lên, xe tải trên 7 tấn, xe kéo rơ-mooc, xe container: 40.000 đồng/lượt. Ngoài ra, mỗi block 30 phút tiếp theo các xe phải chịu thêm từ 5.000 đến 15.000 đồng tuỳ loại. Giá dịch vụ chỉ bao gồm vị trí dừng, đỗ xe, không bao gồm dịch vụ trông, giữ xe.

Bộ GTVT vẫn chưa quyết thu tiếp hay dừng

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 11/1, một lãnh đạo Cục Hàng không cho biết: Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không phối hợp với ACV thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ. Về việc thu phí đối với ô tô ra vào 21 cảng hàng không (nhưng không sử dụng dịch vụ trông giữ xe ô tô), lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, hiện Bộ GTVT đang giao Cục Hàng không nghiên cứu để ban hành quy định quản lý.

“Trên thế giới, một số nước không thu nhưng cũng không ít nước thu loại phí này. Đây là phí dịch vụ phi hàng không, lâu nay Bộ GTVT không quản lý. Tuy nhiên, đây là dịch vụ có tính độc quyền tại cảng hàng không nên Bộ chỉ đạo đưa vào quản lý thông qua việc xây dựng một thông tư”.

Trả lời câu hỏi “Cục có xem xét phương án dừng thu dịch vụ này hay không”, vị này cho hay: “Chúng tôi phải xem xét, tổng hợp mới có thể đưa ra được phương án”. Liên quan việc ACV cho thuê mặt bằng tại sân bay không qua đấu giá, đại diện Cục Hàng không cho biết, hiện đã có quy định cho thuê mặt bằng thuộc nhà ga hàng không phải đấu giá. Việc cho thuê mà không đấu giá là sai quy định và trách nhiệm thuộc về ACV.

Sỹ Lực

Yêu cầu ACV báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 3

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thu phí ô tô vào nhà ga hàng không đúng quy định, với số tiền 550 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án thu tiền dịch vụ và đường dẫn vào nhà ga của cảng hàng không; báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 3/2018.

Về phương án xử lý số tiền ACV đã thu, tin từ Bộ Tài chính cho hay, việc xử lý số tiền này ra sao chưa có tiền lệ. Vì thông thường, với khoản chi từ ngân sách nếu sai sẽ thu hồi nộp lại ngân sách.

Tuy nhiên, số tiền phí ô tô ACV đã thu là tiền của lái xe, nên trước mắt đưa về tài khoản tạm giữ mở ở kho bạc để đợi hướng xử lý. Theo nguồn tin này, phí ô tô qua các trạm BOT nếu thu sai có thể đưa vào Quỹ bảo trì đường bộ, nhưng phí đường vào sân bay không phải đường bộ thông thường.

Phạm Thanh

thanh tra chinh phu ket luan sai pham acv van tiep tuc thu phi dung do Hàng vạn tài xế ra vào các sân bay đã mất phí 'oan'
chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.