Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 25/10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Phiên thảo luận đã ghi nhận 23 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, một ý kiến tranh luận.
Các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung cơ bản trong dự luật và phân tích sâu sắc, góp ý làm rõ thêm một số nội dung cụ thể. Trong đó, nội dung về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra được nhiều đại biểu quan tâm.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho rằng, tuy các cuộc thanh tra không chồng chéo, trùng lặp nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương. Do đó, nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong một năm đối với các bộ, ngành, địa phương.
Cũng theo nữ đại biểu, Điều 76 về ban hành kết luận thanh tra còn đang bỏ trống, chưa được quy định rõ về trường hợp chậm ban hành kết luận thanh tra.
Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 - 6 năm. Từ đó, nữ đại biểu đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo luật.
Cũng đồng tình với góp ý trên, Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị quy định rõ chế tài xử lý việc chậm ban hành kết luận thanh tra
“Có những cuộc thanh tra từ năm 2015, 2016 mà đến giờ vẫn chưa có kết luận”, đại biểu băn khoăn việc giải quyết chậm ban hành kết luận thanh tra ra sao, nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục thế nào và chế tài ra sao.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra thực tế người ký kết luận thanh tra lại không tham gia Đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ báo cáo với người quyết định thanh tra. Đại biểu băn khoăn khi có mâu thuẫn trong quá trình thẩm định, thanh tra rồi mà không ban hành được kết luận thanh tra, cần quy định rõ chế tài về vấn đề này.
Về thực trạng có sự khác nhau giữa kết luận của thanh tra và của Kiểm toán Nhà nước, đại biểu băn khoăn, luật phải quy định chế tài xử lý vấn đề này và trách nhiệm của Trưởng đoàn khi đưa ra kết luận.
“Dự thảo Luật phải quy định rõ vấn đề này và khắc phục hậu quả như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ”, đại biểu nhận định.
Tại phiên họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình về vấn đề xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Dự thảo Luật quy định rõ, mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một kế hoạch thanh tra hàng năm. Dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.