Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 2222/2016 của tổng Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành qui định của pháp luật đối với quản lí, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Theo đó, Thanh tra Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, VNR và UBND TP Hà Nội xử lí các sai phạm liên quan đến việc VNR góp vốn kinh doanh ngoài ngành, bằng quyền cho thuê đất và tài sản trên đất đối với lô đất 80 lí Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.
Trong đó, yêu cầu VNR thu hồi tài sản về cho Nhà nước, giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan theo qui định pháp luật.
“Cạnh đó, Bộ GTVT cùng Bộ Tài chính lập phương án sử dụng hai lô đất trên đảm bảo hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước…”, Thanh tra Chính phủ đề nghị.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ GTVT và VNR thực hiện kiểm điểm xử lí trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất đối với hai lô đất trên.
“Trong đó, VNR phải làm rõ việc quản lí nợ phải thu, quản lí các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Kết luận 2222/2016 của Thanh tra Chính phủ, lô đất 80 lí Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu được Nhà nước cho VNR thuê và hết hạn từ năm 1996. Tuy nhiên, VNR vẫn góp vốn quyền sử dụng hai lô đất trên để hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.
“VNR lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương, qui định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu…”, kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Theo nguồn tin PV, đa số sai phạm Thanh tra Chính phủ nêu trên diễn ra giai đoạn 2003-2009, vì thế nhiều lãnh đạo VNR, Bộ GTVT đã nghỉ hưu nên việc xử lí cần rất nhiều thời gian.
|