Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, gần 1 triệu thí sinh trên toàn quốc chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Đây cũng là thời điểm nhiều em đang tích cực chuẩn bị cho mình tâm lý thoải mái, sức khỏe tốt nhất để sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng này.
Là một thầy giáo trẻ (9X), thầy Ngô Minh Sơn, giáo viên bộ môn Toán - Lý tại CLB luyện thi Long Biên (Hà Nội) đã có những chia sẻ về bí quyết đạt "điểm rơi phong độ" cũng như "chiến thuật làm bài" trong phòng thi để cho các em thí sinh có thể tham khảo.
Các em thí sinh lớp 12 sau khi ra khỏi phòng thi. Ảnh: Đình Tuệ. |
Thầy giáo 9X dẫn giải, người ta thường nói: “Học tài thi phận” để chỉ những người học rất tốt mà đi thi lại không đạt đượt kết quả cao; tệ hơn, có những bạn “trúng tủ” nhưng lại “đem nhầm chìa khóa”. Nguyên nhân dẫn đến những điều trên là do các bạn không đạt đúng phong độ khi làm bài thi, kết quả thi không tương xứng với khả năng vốn có của mình, lẽ ra các bạn đã làm tốt hơn rất nhiều!
Bởi vậy, để làm bài đúng với sức học của mình, các em cần quan tâm đến “điểm rơi phong độ’ của mình. Đó là thời điểm “phong độ” của bạn đạt đỉnh cao nhất. Phần lớn các em trước thi hay “cắm đầu cắm cổ” học ngày học đêm đến nỗi sức khỏe kiệt quệ, tinh thần mệt mỏi, người lúc nào cũng ở trạng thái tồi tệ không có chút tâm lý nào để bước vào kỳ thi. Chính điều đó đã khiến cho phong độ của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vậy làm thế nào để đạt được phong độ tốt nhất khi vào phòng thi? Thầy xin chia sẻ 1 số điểm lưu ý cho các em như sau:
1. Tâm lý vững vàng
Có thể nói, tâm lý vững vàng đóng vai trò then chốt quyết định kết quả thi cử. Bởi vậy, thí sinh cần biết cách cân bằng, tự mình ổn định tâm lý, sẵn sàng cho kỳ thi sắp đến. Sự ổn định về tâm lý sẽ giúp cho các em tạo ra tâm thế vững vàng từ việc vào phòng thi, tham gia các môn thi, xử lý đề thi và những yêu cầu có liên quan khác nhau.
Mặt khác, việc sẵn sàng về tâm lý còn giúp cho học sinh luôn ở thế chủ động để có thể vượt qua những lo lắng, căng thẳng nảy sinh trong quá trình thi cử. Tâm lí nặng nề xuất phát từ đâu?
Thứ nhất: Áp lực từ gia đình, bắt buộc thí sinh phải thi đậu để nở mày nở mặt với gia đình,họ hàng với bà con chòm xóm. Thứ hai: Áp lực do chính thí sinh tạo ra vì ganh đua bạn bè. Như vậy, các em sẽ phải luôn mang trong mình tâm lí "thi phải đậu".
Giải quyết vấn đề tâm lí này như thế nào ?
Thứ nhất: Tư duy tích cực. Thay vì lo sợ hãy suy nghĩ tích cực “MÌNH SẼ CHIẾN ĐẤU HẾT SỨC MÌNH ĐỂ KHÔNG CÓ GÌ PHẢI HỐI HẬN”. Hãy tự tin là chính mình.
Thứ hai: Hãy dẹp bỏ các tư tưởng tiêu cực: "Đã thi là phải đậu, không đậu thì mình sẽ... chết". Thay vào đó, hãy suy nghĩ “MÌNH SẼ LÀM THẬT TỐT NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC RÈN LUYỆN ĐỂ KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ CỦA BẢN THÂN”. Như vậy, tâm lý bạn sẽ nhẹ nhàng và thoải mái hơn khi đối mặt với kỳ thi.
2. Giữ sức khoẻ thật tốt
- Ăn uống điều độ và đi ngủ đúng giờ để giữ được 1 sức khỏe tốt nhất khi vào phòng thi. - Trước khi đi thi tránh ăn quá no, khi vào phòng thi căng thẳng dễ dẫn tới bị đau bụng. - Để tăng cường khả năng tập trung của não bộ các em có thể nhai mấy viên singum và uống nước lọc – vì nó giúp tăng 40% lượng máu lên não.
3. Nắm vững chiến thuật
Theo thầy Sơn, đi thi khó thì khó chung, dễ thì dễ chung. Các em phải nắm chắc điểm những phần mình có thể làm. Dành thời gian kiểm tra lại, không tham câu khó. Chỉ làm những câu mà đọc xong là biết hướng làm ngay, không mạo hiểm. Khi làm xong hết những câu có thể làm thì kiểm tra lại cẩn thận tránh sai một cách đáng tiếc.
Thầy giáo Ngô Minh Sơn. Ảnh tư liệu. |
Đề của Bộ cũng xếp theo thứ tự dễ trước khó sau. Khả năng làm được những câu khó trong phòng thi rất thấp. Áp lực của phòng thi sẽ hạn chế khả năng tư duy sắc sảo hàng ngày của các em. Có nhiều bạn bình thường luyện tập để làm được những bài khó, nhưng trong phòng thi thì lại khác đấy, thậm trí những câu dễ cũng có thể sai.
Thi xong mình có tự trách mình không làm được con khó không? Hay chỉ trách mình làm sai những con dễ. Kể cả nhiều bạn làm được bài khó mà tổng điểm lại vẫn thấp thì cũng chẳng thấy vui đâu. Điều này càng bạn học giỏi đặc biệt chú ý vì hàng ngày các em luyện bài thường làm rất nhanh và hay sai ẩu, nên khi đi thi phải thật chú ý.
"Các em nên mang theo đồng hồ đeo tay đi để chủ động thời gian. Trong phòng thi nhiều khi không có đồng hồ, giám thị cũng không nhắc bọn em đâu mà nhiều khi nhắc cũng không đúng chiến lược của mình nên tốt nhất là chủ động mang theo đồng hồ để bấm giờ làm bài. Một ít khăn giấy cũng sẽ rất cần thiết nếu bạn ra nhiều mồ hôi hay làm đổ nước khi uống...
Lịch thi THPT quốc gia năm 2017. |
Ngoài ra, các em nên tô bài bằng bút chì gỗ, ngòi không nhọn quá để tránh bị thủng phiếu tô đáp án. Thí sinh cũng nên dùng tẩy bút chì loại tốt để nếu có làm sai cũng có thể tẩy sạch không để lại dấu vết. Vì chấm bằng máy mà – những sai sót ấy rất đáng tiếc", thầy giáo Ngô Minh Sơn chia sẻ thêm.
Thi THPT: Để không bị 'mất điểm oan' môn GDCD, thí sinh cần nhớ những điều này
Cùng nghe cô giáo Phan Vũ Diễm Hằng - Giáo viên môn GDCD Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ bí quyết để các ... |