Thêm 5.000 tỉ, ông Phạm Nhật Vượng vững tiền lo chuyện đường dài

Vingroup của tỉ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng tính câu chuyện đường dài với những cú huých nghìn tỉ cho một mảng kinh doanh còn rất mới mẻ.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỉ phú USD Phạm Nhật Vượng vừa thông qua nghị quyết về việc Vingroup sẽ bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast liên quan đến trái phiếu có tổng mệnh giá tối đa 5.000 tỉ đồng dự kiến phát hành trong năm 2019.

Đây là một bước đi nữa của Vingroup trong nỗ lực phát triển ngành sản xuất ô tô Việt Nam với thương hiệu VinFast, sau khi doanh nghiệp này có những khoản đầu tư lớn vào một nhà máy quy mô lớn ở Hải Phòng.

Trước đó, hồi đầu tháng 10/2018, VinFast cũng đã từng được cơ quan tín dụng xuất khẩu thuộc Chính phủ Đức Euler Hermes bảo lãnh khoản vay có giá trị lên tới 950 triệu USD (kì hạn 12 năm) nhằm nhập khẩu máy móc thiết bị, phục vụ sản xuất - một hình thức “xuất khẩu tín dụng” đi kèm với thiết bị nhằm giảm thiểu rủi ro của bên cho vay.

Như vậy, ngoài nguồn vốn tự có, Vingroup tiếp tục tăng sử dụng nợ vay để đầu tư mạnh trong ngành công nghiệp ô tô. Đây là một lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và các doanh nghiệp phải chịu lỗ không nhỏ trong giai đoạn đầu. VinFast là là dự án đầu tư lớn nhất của Vingroup.

Thêm 5.000 tỉ, ông Phạm Nhật Vượng vững tiền lo chuyện đường dài - Ảnh 1.

Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng bảo lãnh trái phiếu 5.000 tỉ cho Vinfast.

Gần đây, cổ phiếu VIC của Vingroup vẫn diễn biến khá tích cực và đang ở vùng đỉnh lịch sử, khoảng 125.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp hơn 2 lần so với cách đây 1 năm (giá điều chỉnh).

Vingroup cũng như các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Vượng vẫn khá hấp dẫn và hút một dòng vốn ngoại lớn đổ vào. Hồi đầu tháng 9, theo Bloomberg, một nhóm các nhà đầu tư dẫn đầu bởi Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) vừa đầu tư 500 triệu USD vào CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM. Đây là một công ty mới được thành lập để sở hữu 100% vốn Vincommerce -  đơn vị vận hành hệ thống hơn 100 siêu thị Vinmart và gần 2.000 cửa hàng tiện ích Vinmart+ trải dài trên khắp cả nước.

Hồi cuối tháng 8, doanh nghiệp của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã hút dòng tiền từ một đại gia ngoại nổi tiếng khác, bất chấp cổ phiếu đang quanh vùng đỉnh lịch sử.

 Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lí với giá trị danh mục hơn 1,5 tỉ USD, nâng mạnh tỉ trong nắm giữ cổ phiếu VIC, và lần đầu tiên đưa VIC lọt top 10 cổ phiếu lớn nhất trong danh mục của VEIL với tỉ trọng 2,88%. Trong khi đó, cổ phiếu Vinhomes (VHC) - một công ty con của Vingroup quản lí mảng bất động sản của ông Vượng đứng ở vị trí thứ 2, với tỉ trọng 7,78%.

Thêm 5.000 tỉ, ông Phạm Nhật Vượng vững tiền lo chuyện đường dài - Ảnh 2.

Ông Phạm Nhật Vượng muốn xây dựng 1 thương hiệu ô tô Việt.

Không chỉ VEIL, gần đây nhiều quỹ cũng tăng tỉ trọng nhóm 3 cổ phiếu Vingroup, Vinhomes và Vincom Retail của tỉ phú Phạm Nhật Vượng trong danh mục đầu tư của mình. Trong đó, Tundra Vietnam Fund từ đầu năm tới nay đã tăng gần gấp đôi tỉ lệ phần trăm nhóm cổ phiếu này lên 15%.

Hồi cuối tháng 5, Vingroup và doanh nghiệp con của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã hoàn thành phát hành riêng lẻ và bán tổng cộng 205,4 triệu cổ phiếu VIC cho Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc, thu về 23.000 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD). 

SK Group trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ 6% cổ phần của Vingroup.

Trong năm 2018, Hanwha Asset Management cũng đầu tư 400 triệu USD mua cổ phiếu ưu đãi của Vingroup.

Thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 19/9 VN-Index quay đầu giảm phiên thứ 2 sau 5 phiên tăng liền. Tuy nhiên, các cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng vẫn khá tích cực. Vingroup tăng 300 đồng, lên 122.500 đồng/cổ phiếu; Vincom Retail tăng 100 đồng lên 34.050 đồng/cổ phiếu. Vinhomes giảm 800 đồng xuống 89.600 đồng/cổ phiếu.

Nhiều cổ phiếu blue-chips giảm giá gồm: GAS giảm 700 đồng, Masan giảm 600 đồng, ROS giảm 600 đồng, VietJet giảm 1.200 đồng, Vinamilk giảm 700 đồng,...

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Theo BSC, TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng đáng kể từ chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ - Fed (rạng sáng 19/9 đã cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm). 

Theo BSC, trong kịch bản tích cực, Fed giảm lãi suất kèm theo thông điệp về việc quay lại chính sách tiền tệ nới lỏng thì thị trường dự báo sẽ có diễn biến tích cực, với kì vọng bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.000-1.005 điểm để hướng đến các vùng kháng cự mạnh hơn trong thời gian tới. 

Ở chiều ngược lại, nếu Fed giữ nguyên lãi suất hoặc giảm lãi suất nhưng chỉ đơn thuần là quá trình điều chỉnh giữa chu kì kinh tế thì có thể thị trường toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Trong bối cảnh đó, Vn-Index nhiều khả năng sẽ quay về kiểm định vùng hỗ trợ 970-980 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/9, VN-Index giảm 1,59 điểm xuống 995,15 điểm; HNX-Index tăng 0,06 điểm lên 102,29 điểm và Upcom-Index tăng 0,1% điểm lên 56,47 điểm. Thanh khoản đạt 3.600 tỉ đồng.


chọn
Nhiều dự án ở tỉnh lẻ bung hàng
Những tháng cuối năm, thị trường bất động ở các tỉnh lẻ như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Ninh... bắt đầu đón nguồn cung từ các dự án mới.