Thêm một công ty buôn thép sắp lên sàn, doanh thu nghìn tỷ nhưng lãi chủ yếu từ hoạt động tài chính

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch 19 triệu cổ phiếu BCA của CTCP B.C.H. Công ty hoạt động kinh doanh chính là thương mại sản phẩm thép và đầu vào (thép phế liệu, than) cho các nhà máy thép.

Công ty liên quan Thép Việt Ý sắp giao dịch trên UPCoM

Theo công bố thông tin, Công ty B.C.H được thành lập vào tháng 3/2004 với vốn điều lệ ban đầu là 8 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của công ty hiện nay là sản xuất, thương mại các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng và sản phẩm về than.

Trong quá trình hoạt động, B.C.H trải qua ba lần tăng vốn, năm 2007 (tăng từ 8 lên 45 tỷ đồng), năm 2008 (45 lên 120 tỷ đồng) và năm 2012 (120 tỷ đồng lên 190 tỷ đồng). Phương thức tăng vốn là phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Cơ cấu cổ đông của công ty tính đến ngày 22/5 gồm 113 người, toàn bộ là các cá nhân trong nước. Trong đó có 6 cổ đông lớn sở hữu hơn 7 triệu cổ phiếu, tương đương 37,1% vốn điều lệ của B.C.H. Các cổ đông sáng lập của công ty hiện không còn nắm giữ cổ phần.

Thêm một công ty buôn thép sắp lên sàn, doanh thu nghìn tỷ nhưng lãi chủ yếu từ hoạt động tài chính - Ảnh 1.

Danh sách cổ đông lớn của B.C.H tại ngày 22/5. (Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp).

Tại ngày 22/5, ông Nguyễn Duy Luân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của B.C.H là cổ đông lớn nhất sở hữu 8,78% vốn điều lệ công ty. Sở hữu của ban lãnh đạo còn có bà Lê Thu Hương, Kế toán trưởng (nắm giữ 7,07% vốn điều lệ), ông Đặng Ngọc Hưng, Tổng Giám đốc (5,93%) và ông Phạm Bá Phú, Thành viên HĐQT không điều hành (5,14%).

Theo tìm hiểu, lãnh đạo cấp cao của B.C.H phần lớn liên quan đến các công ty thép tại Việt Nam như Thép Việt Ý, Thép Thái Hưng. Ông Nguyễn Duy Luân hiện là Chủ tịch HĐQT của B.C.H đồng thời là thành viên HĐQT của Thép Việt Ý. Ông Đặng Ngọc Hưng là Tổng Giám đốc của B.C.H và Phó Tổng Giám đốc của Thép Việt Ý.

Hoạt động kinh doanh của công ty đang ra sao?

Trở lại tình hình kinh doanh của B.C.H, hoạt động chính của công ty từng là sản xuất phôi thép. Năm 2014, công ty quyết định dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất phôi thép do công nghệ sản xuất đã lỗi thời nên không đảm bảo được tính cạnh tranh cũng như vấn đề ô nhễm môi trường. Sau đó, công ty đổi hướng sang phân phối, thương mại sản phẩm thép (phôi, thép xây dựng), cung cấp đầu vào (thép phế liệu, than) cho các nhà máy thép.

"Hiện công ty đang đàm phán với đối tác chiến lược về việc phát hành trái phiếu để thực hiện cải tạo nhà máy cũng như tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết để xin cấp phép xây dựng lại nhà máy từ cơ quan chức năng", bản cáo bạch nêu.

Kết quả kinh doanh của B.C.H. (Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp).

Về hiệu quả hoạt động kinh doanh trong những năm gần đây, năm 2018, B.C.H báo lỗ 19,4 tỷ đồng. Nhưng sang năm 2019, doanh thu công ty tăng hơn 2 lần lên 2.096 tỷ đồng, đồng thời báo lãi gần 34 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lợi nhuận đột biến trong năm 2019 được đóng góp từ việc hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư cổ phiếu TIS hơn 26 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2020 giảm mạnh xuống còn 2 tỷ đồng. Trong năm ngoái, công ty thực hiện thoái vốn toàn bộ khoản đầu tư tài chính hơn 9 triệu cổ phiếu TIS, giúp ghi nhận khoản lợi nhuận đầu tư tài chính hơn 9 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận lợi nhuận 2,2 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, giá thép tăng mạnh nên chi phí giá vốn hàng bán giảm mạnh xuống mức 99,92% doanh thu thuần. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 

Năm 2021, B.C.H đặt chỉ tiêu doanh thu thuần 1.200 tỷ đồng, giảm 40% so với năm 2020, và lợi nhuận sau thuế 2 tỷ đồng. Sang năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần và lãi ròng là 1.500 tỷ đồng và 3 tỷ đồng.

B.C.H đang có tài sản những gì?

Về tài sản, tổng giá trị tài sản tính đến ngày 30/6 của công ty gần 681 tỷ đồng, phần lớn là tài sản cố định hữu hình. Theo cáo bạch, dây chuyền, máy móc thiết bị thuộc nhà máy sản xuất thép đang tạm dừng sản xuất đang được CTCP Thương mại Thái Hưng thuê làm tài sản đảm bảo tại Vietcombank. 

Giá cho thuê bằng 3,5% giá trị định giá được ngân hàng chấp thuận. Năm 2020, định giá thuê tài sản là 253,14 tỷ đồng, tương đương giá cho thuê hơn 9,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, tài sản hữu hình của công ty còn đang hai thửa đất. Thứ nhất là thửa đất số 458, tờ bản đồ số 9 với diện tích 47.276 m2, bao gồm tài sản trên đất là nhà máy sản xuất thép đang tạm dừng sản xuất. 

Thửa đất thứ hai tại Hải Dương rộng 21.354 m2, đang có công trình trên đất là nhà văn phòng, nhà điều hành, kho hàng hóa, dụng cụ và các công trình phụ.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.