Thêm một công ty vận tải biển rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ sau 9 tháng

Sau 9 tháng đầu năm, Vận tải Biển Bắc ghi nhận số lỗ lên tới 181 tỉ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế của doanh nghiệp lên con số 4.355 tỉ đồng tại ngày 30/9.

CTCP Vận tải Biển Bắc (trước đây là CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông - Mã: NOS) vừa công bố báo cáo tài chính quí III/2020, với doanh thu 60 tỉ đồng, giảm 8% so với cùng kì và lỗ sau thuế 49 tỉ đồng, tăng lỗ so với con số 35 tỉ đồng cùng thời điểm năm ngoái.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vận tải Biển Bắc đạt 166 tỉ đồng doanh thu, giảm 24% so với cùng kì năm 2019. Lỗ sau thuế 181 tỉ đồng, tăng so với số lỗ 147 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm ngoái.

Thêm một công ty vận tải biển rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quí III/2020 của NOS. (Nguồn: BCTC NOS).

Tại ngày 30/9, vốn điều lệ của Vận tải Biển Bắc hơn 200 tỉ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu âm 4.095 tỉ đồng do phải chịu số lỗ luỹ kế lên tới 4.355 tỉ đồng.

Năm 2020, NOS đặt mục tiêu đạt doanh thu 83 tỉ đồng, tìm kiếm cơ hội tái cơ cấu tài chính để bù đắp phân lỗ, phấn đấu đưa lợi nhuận công ty về mức cân bằng.

Như vậy, với kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, Vận tải Biển Bắc đã vượt gấp đôi kế hoạch năm về doanh thu. Tuy nhiên, tình hình lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện.

Theo Vận tải Biển Bắc, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến doanh thu vận tải biển của hãng sụt giảm. Tàu handy size trước đây cho thuê 4.000 USD/ngày nhưng thời gian qua đã giảm xuống chỉ còn 2.000 USD/ngày. Chỉ có tàu Phương Đông 10 vẫn duy trì được giá cước cũ.

Trong phần còn lại của năm nay, NOS dự tính sẽ lên dock cho hai tàu (lên đà tàu - thời gian để sửa chữa, bảo dưỡng tàu định kì - NV). Trước đó, tàu Phương Đông 10 đã lên dock thành công và đưa vào hoạt động từ tháng 4/2020.

Cuối kì, tổng tài sản doanh nghiệp có 925 tỉ đồng, giảm 168 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn là 100 tỉ đồng, chiếm 10,8% tổng tài sản; tài sản cố định là 803 tỉ đồng, chiếm 86,8% tổng tài sản doanh nghiệp.

Cuối kì, nợ phải trả của NOS là 5.020 tỉ đồng, trong đó có 2.946 tỉ đồng là nợ đi vay, giảm 48 tỉ đồng so với đầu năm, và phần lớn các khoản nợ đi vay này đều là từ ngân hàng.

Thời gian qua, không chỉ Vận tải Biển Bắc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một "ông lớn" khác trong ngành vận tải biển là CTCP Vận tải biển Việt Nam (Mã: VOS) cũng lao đao.

Báo cáo tài chính quí III của doanh nghiệp này cho thấy doanh thu tiếp tục giảm 12% so với cùng kì xuống còn 293 tỉ đồng. Trong khi giá vốn lên đến 301 tỉ đồng khiến công ty tiếp tục ghi nhận mức lỗ sau thuế 22 tỉ đồng trong quí III, giảm so với mức lỗ 73 tỉ đồng cùng kì năm trước.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vận tải biển Việt Nam đạt 970 tỉ đồng về doanh thu, giảm 17% so với cùng kì năm trước và lỗ sau thuế 140 tỉ đồng, giảm 5 tỉ đồng so với 9 tháng đầu năm 2019.

Năm 2020 được đánh giá là một năm khó khăn với nền kinh tế toàn cầu nói chung và ngành vận tải biển nói riêng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề theo diễn biến của nền kinh tế.

CTCP Vận tải Biển Bắc tiền thân là Công ty Vận tải thủy Bắc, thuộc Cục Đường sông Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 1108/QĐ-TCCB-LĐ ngày 3/6/1993 của Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở chuyển đổi tổ chức Văn phòng Tổng công ty Vận tải sông I.

Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, xăng dầu, container bằng đường biển, đường sông, đường bộ; vận tải hành khách.

chọn
Hình ảnh đường song hành Vành đai 4 dần thành hình đoạn qua Vinhomes Đan Phượng
Đường song hành Vành đai 4 – vùng Thủ đô đi qua huyện Đan Phượng với chiều dài 6 km, nhiều đoạn đã thảm nhựa, trong đó có đoạn đầu cầu Hồng Hà.