Thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc từ năm 2017

Theo lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung theo chương trình 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 vào năm học tới.

Lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có mục tiêu chính nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Song song với tiếng Anh, Bộ GD&ĐT thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản như ngoại ngữ thứ nhất.

Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017. Bộ cũng sớm thẩm định và ban hành chương trình này để làm cơ sở biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa và học liệu phục vụ việc dạy và học trong trường phổ thông.

Năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT đã cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tại 5 trường ở Hà Nội và TP.HCM. Đó là các trường tiểu học Nguyễn Du, tiểu học Khương Thượng, tiểu học Chu Văn An, tiểu học quốc tế Gateway (tại Hà Nội) và trường Việt Úc (TP.HCM). Môn này lần lượt nhân rộng trên cả nước, đặc biệt là những địa phương có nguyện vọng và điều kiện triển khai.

Ngoài ra, năm học này, tiếng Hàn được thí điểm giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai ở lớp 6 và lớp 10 tại một số trường có nguyện vọng ở Hà Nội và TP.HCM.

thi diem day tieng nga trung quoc tu nam 2017
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị triển khai lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Giai đoạn 2017-2025, ngoại ngữ trên sẽ lần lượt được triển khai ở các lớp tiếp theo của cấp THCS và cấp THPT. Sau thí điểm, các trường có đủ điều kiện và nhu cầu có thể tiếp tục duy trì việc dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ thứ hai.

Việc dạy học tiếng Pháp tiếp tục được đổi mới, điều chỉnh chương trình song ngữ tiếng Pháp từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông theo hướng tinh giản và hiện đại hóa. Đồng thời, hoàn thiện bộ sách tiếng Pháp ngoại ngữ 2 quyển 1 cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020 trước mắt tập trung nâng cao chất lượng tiếng Anh, song khuyến khích các tỉnh tùy tình hình thực tế để dạy học thêm ngoại ngữ khác.

"Việc học ngoại ngữ muốn tiến triển nhanh thì người học cần phải được mở rộng giao lưu với giáo viên bản ngữ, sinh viên nước ngoài. Học tiếng gì phải tiếp cận với người nói tiếng đó", ông nói và đề nghị các trường cần xây dựng trung tâm học liệu, sử dụng nguồn tài liệu có uy tín trên thế giới cho giáo viên, học sinh tham khảo, phục vụ dạy học.

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là Đề án 2020) đã có 7 năm triển khai trên toàn quốc.

Trong giai đoạn tiếp theo, Đề án 2020 sẽ tiếp tục được đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ nhằm đảm bảo đến năm 2020 đa số học sinh đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ khi tốt nghiệp.

Đến năm 2025, đa số thanh niên Việt Nam, cán bộ công chức, viên chức, nguồn nhân lực có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.