Ra đề trên kiến thức cơ bản
Đối với các câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ lấy một phần câu hỏi từ ngân hàng đề thi đánh giá năng lực của ĐH QGHN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn vì kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH QGHN chưa có tổng kết đánh giá để biết hiệu quả của đề thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, năm 2012, Bộ đã giao cho 6 trường đại học trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu đổi mới phương pháp thi đại học, cao đẳng. Trong đó, ĐHQGHN chọn một phương pháp rất bài bản, có hệ thống là thi đánh giá năng lực.
Từ đó tới nay ĐHQGHN đã tích cực chuẩn bị ngân hàng đề thi, xây dựng phương án kỹ thuật để thực hiện thi đánh giá năng lực. Cho tới nay ngân hàng đề thi của ĐHQGHN đã đủ lớn. Rút kinh nghiệm 3 năm tổ chức thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN và 2 năm đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ nhận thấy có thể tiến tới áp dụng đại trà.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Trả lời băn khoăn trên, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH QGHN cho biết, qua 3 năm thí điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN và năm 2017 chúng tôi vẫn triển khai tiếp, với cách ra đề thi và làm bài như vậy có mấy ưu điểm.
Thứ nhất tính khách quan tăng lên, mỗi thí sinh có đề thi riêng, hạn chế gian lận và những vấn đề phát sinh. Thứ hai độ phân hóa năng lực của thí sinh, với số lượng và cấu trúc đề như vậy sẽ phân hóa được thí sinh.
Ví dụ, năm 2016, số lượng thí sinh đạt điểm cao chiếm khá nhiều, nhóm các trường xét điểm cao cũng khó khăn trong tuyển sinh. Nếu đề phân hóa mạnh hơn, với dải điểm rộng nữa sẽ khá thuận lợi cho các trường khi xét tuyển.
Ngoài ra có thể xét đến tính toàn diện, giúp cho học sinh phổ thông hướng đến học toàn diện. Ra đề trên kiến thức cơ bản nên học sinh không phải lo nhưng những kiến thức nhằm phát triển năng lực người học, kiến thức xã hội để trở thành một công dân tốt, những điều đó bằng cách nào chúng ta cũng mong muốn bậc phổ thông hướng đến. Và đào tạo toàn diện là mục tiêu của chúng ta.
Đối với đề thi trắc nghiệm môn Toán, nhiều ý kiến cho rằng, thi trắc nghiệm, đặc biệt là trắc nghiệm môn Toán không kiểm tra được tư duy logic, sáng tạo của thí sinh? Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi TNKQ được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học.
Cho dù có nhiều cách giải khác nhau trong bài toán cũng cùng đến một kết quả do vậy khi thiết kế câu hỏi thi các chuyên gia đã tính toán tối thiểu phải qua bao nhiêu bước tư duy mới giải được và mất tối thiểu bao nhiêu thời gian, nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian thì các thí sinh này thực sự có năng lực bậc cao để giải quyết hết các câu hỏi trong bài thi.
Thực tế, trong các các câu hỏi TNKQ, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Do vậy, hình thức thi TNKQ hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.
Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn
Học sinh được lựa chọn từ câu hỏi dễ tới câu trung bình và khó
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH QGHN cho biết, các cấu trúc đề theo tổ hợp các môn KHTN hay KHXH, trong đó tổ hợp 60 câu, mỗi môn 20 câu, trong đó có câu dễ, câu trung bình, câu khó, tính toán lựa chọn thế nào hoàn toàn do thí sinh. Ví dụ như điểm chuẩn bị theo chính sách tuyển sinh của các trường đại học mà họ lấy phần nào, trọng số đặt ở đâu thì các em có thể lựa chọn.
Tôi nghĩ với một đề như vậy để đạt được điểm số tốt, thể hiện được năng lực của mình một cách toàn diện các em nên dành cho việc làm đề thành một mối hài hòa. Đương nhiên sẽ phải có những tư vấn, những chỉ dẫn để các em điểu chỉnh trên cơ sở nắm vững kiến thức cỏ bản, các em sẽ làm được tốt.
Chúng ta cũng sẽ phải tính toán số lượng bao nhiêu câu dễ, bao nhiêu câu trung bình, bao nhiêu câu khó để đảm bảo được sự phân hóa lớn. Và tất nhiên một đề thi như vậy độ phân hóa sẽ lớn hơn so với các năm trước.
Phân hóa lớn trong đó vẫn đảm bảo được tỉ lệ các câu mà học sinh có thể tốt nghiệp được và phân hóa để các trường xét tuyển với chất lượng lượng cao hơn. Phân hóa lớn, số tốt nghiệp sẽ đạt tới để tốt nghiệp, số tuyển sinh đại học cũng có nhiều cơ hội để lựa chọn thí sinh.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực vào ĐH QGHN
Đề thi đã được thử nghiệm
Nói về việc thiết kế ngân hàng câu hỏi đề thi, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho hay, ngân hàng câu hỏi mà ĐHQGHN thiết kế là thiết kế theo định hướng của những câu hỏi chuẩn hóa, có nghĩa là đã đem ra thử nghiệm.
Trong đó những câu được coi là câu dễ, những câu được coi là câu khó, câu trung bình căn cứ vào thực tế các bạn học sinh làm được đến đâu để xác định đó là câu dễ hay câu trung bình hay câu khó. Đó là phương pháp thiết kế công cụ đo rất tiên tiến trên thế giới. Và như vậy khi đưa ra sử dụng trong thực tế học sinh sẽ thích ứng rất tốt.
Ví dụ các bạn thí sinh lo lắng đề khó, chưa làm quen nhưng đề sẽ căn cứ vào năng lực của các thí sinh đang có của năm 2016 này để xây dựng để thi. Các bạn học như thế nào trong bậc phổ thông thì việc thử nghiệm đề sẽ đưa đến kết quả thích hợp với số đông các bạn.
Như vậy, lượng câu hỏi khá lớn. Chúng ta sẽ cân nhắc việc xác lập một cấu trúc chi tiết để công bố cho xã hội để học sinh nắm được.
Đối với thí sinh, phụ huynh không phải lo lắng, vì dễ, khó hay trung bình không phải xác suất thuần túy của người ra đề mà căn cứ vào thực tế và sát thực với thực tế.
“Kết quả thi những năm vừa qua, sau một đợt thi ĐHGQHN đều có rút kinh nghiệm, rà soát bộ đề, các kết quả thi đều được công khai cho xã hội biết và giám sát” – ông Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đề thi minh họa sẽ công bố trong tháng 10. Hiện nay tổ công tác của Bộ đang phối hợp với ĐHQGHN để chuẩn bị đề để công bố sớm cho thí sinh. Đây là phương án thi và tuyển sinh năm 2017, để phương án có thể áp dụng được thì phải ban hành quy chế thi. Như vậy sau khi đưa ra phương án, Bộ sẽ tiến hành điều chỉnh quy chế 2016 và ban hành theo đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đưa lên mạng 45 ngày lấy ý kiến, sau đó chỉnh sửa và ban hành. Bình thường trước tết âm lịch hàng năm sẽ ban hành quy chế thi và tuyển sinh. Còn các vấn đề cơ bản vẫn nằm trong phương án này. |