Hiệu trưởng đại học 'mách' các Sở Giáo dục bảo quản bài thi

Nhận định rằng kết quả thi THPT quốc gia 2017 là căn cứ quan trọng để xét tuyển vào đại học nên lãnh đạo các trường ĐH rất lưu tâm đến khâu tổ chức thi thậm chí còn “mách nước” cả những vấn đề tiểu tiết như đã chuẩn bị bao nilon bọc bài thi hay chưa.

Chuẩn bị kỹ để không “vỡ trận”

Mới đây trong chuyến Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia tại các tỉnh phía Nam, lãnh đạo các trường ĐH đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm tổ chức từ việc bảo mật in sao đề đến việc bảo vệ an toàn bài thi hay chấm thi sao cho công bằng.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thành viên Ban chỉ đạo thi quốc gia đề nghị các tỉnh cần chuẩn bị tránh tình trạng dột mưa tại các điểm thi, nhất khi mùa mưa sắp tới. “Nếu thí sinh đang thi mà bị dột mưa thì cũng “chết” nên thời điểm này địa phương cần rà soát lại các trường tổ chức điểm thi nếu có thì xử lý sớm”, ông Dũng chia sẻ.

hieu truong dai hocmach cac so giao duc bao quan bai thi
Nhận định kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017 rất quan trọng để làm căn cứ xét tuyển nên các trường ĐH rất quan tâm khâu tổ chức thi

Thậm chí, ông Dũng cón đặt vấn đề có đưa ra phương án chuẩn bị các bao nilon đựng bài thi chưa. Đó là một tiểu tiết tưởng như giản đơn nhưng với kinh nghiệm làm thi ông Dũng cho rằng điều đó rất quan trọng nếu giấy thi trắc nghiệm in loại không tốt, lỡ gặp mưa thì máy quét chấm rất khó.

Đối với việc chấm thi, ông Dũng nhận định năm nay chỉ có một môn tự luận còn lại là thi trắc nghiệm nhưng khâu chấm sẽ có những điểm dễ nhưng cũng có chỗ khó. TS Đỗ Văn Dũng cho rằng: “Chấm trắc nghiệm thật ra cũng rất dễ tiêu cực , một số năm vừa rồi đã xảy ra trường hợp thí sinh thi toán 0 điểm mà môn Lý lại 10 điểm do sơ hở của phần trắc nghiệm. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, việc cho thí sinh tô kết quả bằng bút chì chính là yếu tố xảy ra tiêu cực”.

Ngoài ra, công tác đảm bảo cho điện trong những ngày thi cũng rất quan trọng phòng trừ trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ về điện.

Cũng góp ý cho khâu chuẩn bị, PGS. TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM - đơn vị phối hợp tổ chức thi tại tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: “Dù biết tỉnh đang khó khăn nhưng nên cố gắng dự liệu tốt nhất, thà tốn tiền còn hơn “vỡ” kỳ thi của cả quốc gia. Năm ngoái trường tôi phụ trách thi ở Bến Tre cũng đã xảy ra sự cố nổ bình điện bất ngờ nhưng may là chúng tôi đã dự phòng từ trước, thuê máy phát điện dự phòng từ TPHCM xuống để khắc phục ngay. Trong kỳ thi quan trọng này mà lỡ mất 30 phút thì ảnh hưởng biết bao nhiêu đến thí sinh”.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, thành viên ban chỉ đạo thi Quốc gia cho rằng công tác in sao đề thi năm nay khá phức tạp ở chỗ mỗi thí sinh là một đề thi và mã riêng. Do đó, quy trình in sao đề thi làm sao để đảm bảo tính bảo mật, chính xác là điều các địa phương phải quan tâm.

PGS. TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM thì chia sẻ rằng kết quả thi mà không khách quan sẽ khó trở thành cơ sở để các trường xét tuyển nên dù chỉ hỗ trợ nhưng trường ông luôn làm hết trách nhiệm gần như là một đơn vị chủ trì. “Bởi nếu tổ chức thi không chặt chẽ thì sẽ dẫn đến không khách quan, nhất là năm nay sẽ dễ không khách quan bởi đề thi năm nay chủ yếu là trắc nghiệm. Một giám thị nào đó lơ là dẫn đến điểm thi có thể không chính xác thì việc sử dụng kết quả để xét tuyển sẽ phải như thế nào?”, ông Hải lo lắng.

Nhấn mạnh yếu tố an toàn, khách quan, PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ: “Chúng tôi ở các trường ĐH đều mong muốn kết quả thi phải chính xác để chúng tôi sử dụng khi xét tuyển cho thật tốt. Do đó, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề chống tiêu cực trong thi cử. Nếu các tỉnh có điều kiện nên trang bị 2 camera ở khu vực chấm thi trắc nghiệm để kiểm soát tốt hơn. Còn đối với môn tự luận, nếu có mặt thêm các giáo viên ở các trường khác tham gia thì sẽ tạo công bằng hơn trong chấm thi”.

Địa phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn

Không coi nhẹ những đóng góp của các Sở GD-ĐT địa phương đã từng tổ chức các kỳ thi ở địa phương nhưng Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh đây là một kỳ thi quan trọng khi vai trò năm nay của địa phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

hieu truong dai hocmach cac so giao duc bao quan bai thi
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh đây là một kỳ thi quan trọng và địa phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

“Lần đầu tiên địa phương chủ trì một kỳ thi mà kết quả sử dụng đến 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH nên các trường ĐH đều có cùng mối quan tâm làm sao có kỳ thi nghiêm túc, công bằng. Do đó, trách nhiệm của Sở GD-ĐT sẽ nặng nề hơn mọi năm bởi đảm bảo trách nhiệm đối với địa phương nhưng đồng thời trách nhiệm để giúp các trường ĐH yên tâm xét tuyển”, Thứ trưởng Ga xác định.

Thứ trưởng Ga lưu ý rằng phải đảm bảo an toàn của kỳ thi ở tất cả các khâu, một khâu nào đó không khớp sẽ ảnh hưởng đến cả kỳ thi của quốc gia. Ngay ở việc chuẩn bị cơ sở vật chất nếu chuẩn bị thừa vẫn tốt hơn thiếu. Đồng thời đảm bảo an toàn cho con người gồm thí sinh, cán bộ coi thi.

Lưu ý phải tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi, phải dự báo mọi tình huống dù tiểu tiết nhưng cũng phải nhắc. Có những việc địa phương có thể chưa biết trước được do đó phải lường trước mọi tình huống để dự kiến phương án xử lý tức thì, đảm bảo kỳ thi an toàn.

Thứ trưởng Ga cho rằng, nếu kỳ thi không nghiêm túc thì các trường ĐH lại tổ chức hàng chục kỳ thi khác thì đi ngược với nỗ lực giảm áp lực thi cử mà ngành giáo dục đã triển khai thời gian qua.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.