Đa dạng mẫu mã, chủng loại
Còn gần 3 tuần nữa là tới Tết Nguyên Đán, dạo quanh các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh buôn bán hàng hóa phục vụ Tết tại TP HCM, không khí mua sắm đang diễn ra khá sôi động. Ngoài việc mua thực phẩm cho gia đình, nhiều người tranh thủ đi mua sắm sớm để làm quà tặng người thân, đối tác.... trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Tràn ngập các thương hiệu bánh kẹo từ hàng nội cho tới hàng ngoại. Ảnh: Duy Phong |
Tại nhiều siêu thị lớn, các gian hàng bánh kẹo được bài trí khá công phu với mẫu mã đa dạng về chủng loại, xuất xứ. Đặc biệt,mặt hàng giỏ quà tết được người tiêu dùng ưa chuộng vì sự tiện lợi, trang trọng mà giá cả lại rất đa dạng phù hợp với mọi giới, mọi ngành nghề.
Trung bình, một giỏ quà tết bao gồm sản phẩm bánh kẹo, mứt, hạt dưa, trà... có giá từ 150.000 - 500.000 đồng/giỏ. Riêng những giỏ quà có thêm rượu, thực phẩm khô... giá giao động từ 600.000 đồng đến vài triệu tùy vào chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, nhiều loại giỏ quà có giá dưới 200.000 đồng nhưng sản phẩm bên trong vẫn đầy đủ, giữ được nét lịch sự, bắt mắt, đảm bảo được tính thẩm mĩ khi biếu tặng, phù hợp cho những người có thu nhập thấp.
Đa dạng các loại giỏ bánh kẹo làm quà biếu dịp Tết, giá từ vài trăm cho tới vài triệu, phục vụ đa dạng nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Duy Phong |
Chị Đặng Thị Thu Thảo, chủ một đại lý bánh kẹo tại chợ Tân Định (quận 3) cho biết, hiện tại giá cả mặt hàng bánh kẹo không cố định, phụ thuộc vào đối tượng khách hàng và người bán nên khó có thể so sánh giá cả giữa cửa hàng này với cửa hàng khác. Đơn giản như việc chọn giỏ quà tặng, có những giỏ giá vài triệu nhưng cũng có giỏ giá chỉ 200.000.
“Yếu tố quyết định tới giá của một giỏ quà là số lượng và chất lượng của những sản phẩm bên trong giỏ. Giỏ có đầy đủ bánh kẹo, mứt khô, chè, rượu vang...mang thương hiệu nước ngoài chắc chắn sẽ có giá cao hơn loại giỏ sản phẩm không có thương hiệu hoặc thương hiệu nhỏ. Đấy là điều đương nhiên”, chị Thảo nói.
Một giỏ quà biếu tết được gói sẵn với 11 loại mặt hàng bên trong có giá hơn 1 triệu đồng. Ảnh: Duy Phong |
Khảo sát giá cả một vài khu chợ trong thành phố, hiện các loại kẹo đóng hộp có giá từ 20.000 đồng - 150.000 đồng/hộp. Một số loại cao cấp có giá từ 100.000 đồng - 600.000 đồng/hộp. Mứt me có giá 34.000 đồng/hộp 150g, mứt gừng dẻo 24.000 đồng/hộp 200g, mứt chùm ruột 38.000 đồng/hộp 300g. Bên cạnh đó, các loại hạt dưa có mức giá dao động từ 32.000 đồng - 47.000 đồng/hộp 250g.
Khi hàng Việt không còn thất thế
Có thể nhận thấy một điều, so với các năm trước, lượng bánh kẹo năm nay tăng hơn nhiều về cả số lượng, mẫu mã và chất lượng. Bên cạnh những thương hiệu lớn trong nước như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica... trên kệ hàng của các siêu thị xuất hiện nhiều loại bánh kẹo có xuất xứ từ châu Âu, Malaysia, Thái Lan, Indonesia,...
Các thương hiệu trong nước giờ đây cũng không ngừng đẩy cao công nghệ, nghiên cứu sâu hơn về mẫu mã, xu hướng và thị hiếu của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì theo hướng hiện đại để thu hút người tiêu dùng trong nước. Nếu chỉ nhìn lướt qua trên kệ bánh kẹo rất khó để phân biệt được đâu là hàng nội đâu là ngoài.
Tại nhiều đại lý lớn, thị phần bánh kẹo nội không thua kém hàng ngoại nhập, thậm chí có phần nhỉnh hơn hàng ngoại. Ảnh: Duy Phong |
Theo tìm hiểu của PV, dù mặt hàng bánh kẹo ngoại chiếm khoảng 50% thị phần nhưng bánh kẹo trong nước vẫn đang được ưa chuộng và không hề có dấu hiệu thất thế. Chị Mỹ Dung, một tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6) cho biết, vì nhu cầu của người dùng khá đa dạng nên chúng tôi bên cạnh việc bán hàng của những thương hiệu trong nước vẫn nhập nhiều loại bánh kẹo có xuất xứ từ nước ngoài.
Nói về nhu cầu của khách hàng trong năm nay, chị Mỹ Dung nhận định: “Mọi năm hàng ngoại rất được ưa chuộng và thường sẽ bán được nhiều hơn so với hàng Việt. Tuy nhiên, một vài năm gần đâycó sự biến chuyển khá rõ rệt, hàng Việt bán rất chạy chẳng thua kém hàng ngoại. Do chất lượng và mẫu mã của hàng Việt đã được cải tiến nên có thể cạnh tranh sằng phẳng với những sản phẩm ngoại nhập đang có mặt trên thị trường”.
Người tiêu dùng Việt đang có xu hướng sử dụng hàng Viêt nhiều hơn với suy nghĩ giúp hàng Việt ngày càng phát triển, không bị thất thế với những mặt hàng xuất xứ từ nước ngoài. Ảnh: Duy Phong |
Lý giải cho điều này, các tiểu thương tại đây cho rằng, dù hàng ngoại sang trọng hơn, giá có cao hơn nhưng không đáng bao nhiêu, hương vị cũng có phần ngon hơn nhưng có lẽ nhờ chiến lược “Người Việt sử dụng hàng Việt” nên tâm lý của người Việt đang dần thay đổi, ủng hộ cho những thương hiệu bánh kẹo trong nước.
Đang đi lấy hàng cho đại lý của mình, cô Hoàng Thị Tú (ngụ TP. Ban Mê Thuật) cho biết: “Năm nay tôi chú trọng vào hàng Việt nhiều hơn, thứ nhất vì giá cả rẻ hơn, thương hiệu cũng đủ lớn, không sợ hàng nhái hàng giả, hơn nữa ủng hộ cho hàng Việt mình ngày càng tốt hơn nên tôi quyết định nhập trên 80% bánh kẹo có nguồn gốc trong nước”.
Khi Tết gần kề, thị trường bánh mứt tràn lan những sản phẩm ngoại nhập, hàng Việt vẫn tìm được chỗ đứng và tạo dựng uy tínvới người tiêu dùng trong nước, quả là một tín hiệu đáng mừng.