Theo thông tin từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,79 tỉ USD, giảm 12,2% so với cùng kì năm 2019. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm tới 60% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tốc độ xuất khẩu hàng hóa chậm lại sau khi hai nước áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát phòng dịch.
Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sụt giảm liên tiếp qua các tháng, giảm mạnh nhất là tháng 4 (hơn 42% so với cùng kì năm trước).
Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường truyền thống này chỉ đạt 906,1 triệu USD, giảm hơn 29% về giá trị so với cùng kì năm 2019 (đạt 1,3 tỉ USD).
Trong khi đó, sản lượng và giá trị xuất khẩu rau quả đến các thị trường khó tính trong 6 tháng đầu năm lại tăng.
Cụ thể, xuất khẩu sang Thái Lan đạt 68 triệu USD, tăng 233,4%; Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD, tăng 21,8%; Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD, tăng 15,5%; Mỹ đạt 62 triệu USD, tăng hơn 6%; Hà Lan đạt 34 triệu USD, tăng 9% so với cùng kì năm ngoái.
Đến cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể vẫn sẽ bị sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam
Chia sẻ với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc khởi sắc trở lại, nhưng dự báo sự hồi phục chỉ ở mức chậm.
"Các thị trường xuất khẩu khác dù có tăng trưởng cao, nhưng tỉ trọng vẫn ở mức thấp, không đủ bù đắp được sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Do đó, đến cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể vẫn sẽ bị sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019", ông Nguyên dự báo.
Như vậy, ngành rau quả có thể chỉ thu về khoảng 4,5 tỉ USD trong năm 2020 trên mục tiêu xuất khẩu 5 tỉ USD đặt ra hồi đầu năm do sự sụt giảm mạnh của thị trường truyền thống Trung Quốc.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm lần đầu tiên sụt giảm đến 11,4% so với cùng kì năm trước nhưng ngành rau quả kì vọng xuất khẩu rau quả sẽ tăng trở lại khi Việt Nam mở được nhiều thị trường mới và thị trường Trung Quốc phục hồi.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, rau quả là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu người tiêu dùng vẫn cao. Do đó, việc hồi phục xuất khẩu rau quả cũng nhanh hơn so với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng khác.
"Năm nay, công ty đẩy mạnh xuất khẩu quả vải sang thị trường Mỹ và Australia với sản lượng đã được 100 tấn vào Mỹ và 54 tấn vào Australia. Việc doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm trái cây sang các thị trường chất lượng cao cũng sẽ giúp nâng cao sản xuất trong nước, sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng", đại diện Vina T&T chia sẻ.
Ông Tùng cho biết thêm, kể từ khi Việt Nam được phép xuất khẩu quả vải vào Mỹ đến năm 2019 là 5 năm nhưng chỉ xuất khẩu được vài chục tấn, nhưng riêng năm nay tăng lên đột phá bởi Trung Quốc hết vải sớm, tạo cơ hội cho vải Việt Nam sang Mỹ.
Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, với tỉ trọng hiện còn ở mức rất nhỏ, thị trường EU có dư địa tăng trưởng rất lớn đối với rau quả Việt Nam. Rau quả Việt Nam cũng còn cơ hội rất lớn tại các thị trường thành viên của hiệp định CPTPP.
Do đó, về lâu dài xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ có sự bứt phá cao và bền vững tại các thị trường mới, thay vì lệ thuộc lớn vào Trung Quốc như hiện nay.
Đây cũng là nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) khi cho rằng việc EU cam kết mở cửa mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, cụ thể là xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả sẽ tạo cơ hội cho rau quả Việt Nam vào thị trường này.
Bên cạnh đó, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng Nhật Bản vẫn đẩy mạnh nhập khẩu nhiều chủng loại trái cây, rau củ từ Việt Nam như chuối, thanh long, vải, khoai lang… Đây là cơ hội lớn cho chuối Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này, sau thành công của vải thiều.
Những tín hiệu khả quan về xuất khẩu rau quả trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ ra như: chuối của Việt Nam đã chính thức vào hệ thống siêu thị Lotte của Hàn Quốc; vải Hải Dương và Bắc Giang đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ; thị trường Ấn Độ rất ưa chuộng thanh long, vải, chôm chôm của Việt Nam; nhãn Sơn La bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới...
Tiềm năng là vậy nhưng việc phát triển thị trường bậc cao như EU không phải hoàn toàn là màu hồng. Muốn tận dụng tốt cơ hội, nông, thủy sản Việt Nam phải vượt qua các hàng rào kĩ thuật, tiêu chuẩn khắt khe…
Từ năm 2016, ngành nông nghiệp đã tập trung vào các vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã bao bì… để ứng xử không chỉ với EVFTA mà còn nhiều FTA khác với tinh thần "không chuẩn hóa thì không thể hội nhập bền vững".
"EVFTA sẽ khiến các qui định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế", theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO & Hội nhập (VCCI).
Theo bà Trang, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước thách thức từ các qui định của các nước nhập khẩu, không chỉ vấn đề an toàn thực phẩm mà còn các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội, vấn đề lao động, bình đẳng giới… cùng với đó là những thách thức trong kiểm soát gian lận thương mại…