“Chưa bao giờ ngành chăn nuôi trong nước đang phải gánh chịu nhiều áp lực. Đặc biệt, trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, cuộc chiến thị trường khốc liệt hơn bao giờ hết. Thịt nhập khẩu từ các nước đang thâm nhập thị trường.
Muốn giữ vững thị phần, doanh nghiệp (DN) trong nước sớm cơ cấu lại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế chi phí sản xuất hướng đến hạ giá thành sản phẩm”, bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, chia sẻ.
Trong khi Việt Nam vẫn còn đang chập chững xây dựng tiêu chuẩn cho thực phẩm tươi sống thì các loại thịt ngoại đã “phủ sóng” khắp thị trường nội địa. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, không đợi các Hiệp định thương mại có hiệu lực, thịt ngoại từ các nước đã nhập khẩu tràn ngập thị trường trong nước.
Thịt ngoại nhập bán tại khu riêng riêng biệt ở siêu thị, để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. (Ảnh minh họa: CTV) |
Ghi nhận của PV Báo CAND, tại hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, thịt bò Úc, thịt bò Mỹ, chân gà Brazil, đùi tỏi gà Mỹ, gà nguyên con Hàn Quốc,… bán rất nhiều với giá khá cạnh tranh.
Như thịt bò Úc: Nạm có giá 170.000 đồng/kg, đùi 280.000 đồng/kg, phi lê 355.000 đồng/kg, giá dao động từ 170.000 đồng - 355.000 đồng/kg; thịt bò Mỹ, đa dạng hơn các sản phẩm đông lạnh như: Thịt vùng cổ 144.000 đồng/kg, ba rọi 119.000 đồng/kg, gầu 132.000 – 152.000 đồng/kg, sườn 277.000 đồng/kg,…
Đùi tỏi gà nhập khẩu từ Mỹ và chân gà Brazil có giá từ 42.000 – 50.000 đồng/kg... có giá thấp hơn so với sản phẩm cùng loại trong nước.
Nhìn chung, các sản phẩm thịt bò, gà, ngoại nhập hiện đang được người tiêu dùng (NTD) trong nước ưa chuộng, lý do là giá mềm và đặc biệt quan trọng nữa là NTD có tâm lý, các sản phẩm thịt ngoại nhập khi đã vào được thị trường Việt Nam và qua được “cửa” của siêu thị thì đó là hàng nhập khẩu chính ngạch, đã được cơ quan chức năng kiểm tra kỹ về nguồn gốc xuất xứ, cũng như chất lượng an toàn thực phẩm của sản phẩm trước khi đưa lưu thông trên thị trường.
Không chỉ xuất hiện nhiều tại kênh phân phối hiện đại, mà thịt ngoại nhập còn lấn thị phần sang các kênh phân phối khác như cửa hàng, chợ truyền thống, online,... và đặc biệt là giá rẻ bất ngờ.
Điển hình, như các loại thịt ngoại nhập bán tại các cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh của công ty TNHH La Maison (quận 2) rất đa dạng về xuất xứ, chủng loại. Như mặt hàng thịt bò, chủ yếu nhập từ Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Argentina có giá chỉ từ 142.000 đồng/kg.Thịt lợn nhập khẩu thì có xuất xứ đa dạng hơn như: Mỹ, Đức, Hungary, Tây Ban Nha, Ba Lan...
Đặc biệt, thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha có giá khá mềm như: Sườn lợn (nhập từ Mỹ) giá 70.000 đồng/kg; cốt lết, thăn lưng (nhập từ Đức) có giá 80.000 đồng/kg và 120.000 đồng/kg; nạc vai, nạc dăm, thăn lưng, (nhập từ Tây Ban Nha) có giá lần lượt 80.000 đồng/kg, 90.000 đồng/kg và 120.000 đồng/kg...
Giá này, đa phần rẻ hơn so với thịt lợn trong nước. Không chỉ bán tại các cửa hàng, các sản phẩm này còn được bán online giao hàng trên toàn quốc.
Không chỉ thế, thịt ngoại nhập còn tràn ra cả... vỉa hè, đường phố... với giá siêu rẻ khiến NTD không khỏi băn khoăn về chất lượng cũng như “lỗ hổng” trong khâu kiểm soát của cơ quan chức năng trước khi thịt ngoại nhập vào thị trường nội địa.
Đơn cử, gà nhập loại “6 không” (không đầu, không chân, không nội tạng, không bao bì, nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu hiệu kiểm dịch), bán rộ trên các tuyến đường, chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây. Loại gà này được người bán giới thiệu là gà mái đẻ, nhập từ Hàn Quốc với giá chỉ từ 40.000 - 50.000 đồng/con.
Trong khi đó, nếu so với gà thịt trong nước của các đơn vị cung cấp như: Ba Huân, San Hà, Phạm Tôn, Bình Minh, CP, Unitek, Sagrifood,... giá gà thịt nhập từ Hàn Quốc rẻ gấp 3 - 4 lần.
Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, Việt Nam đang nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 34 thị trường trên thế giới. Riêng mặt hàng thịt gà nhập khẩu, hết tháng 6-2018, cả nước nhập khẩu gần 90.000 tấn thịt gà các loại với tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt gần 84 triệu USD. Bình quân mỗi kilôgam thịt gà nhập khẩu có giá gần 1 USD (chưa tính thuế), tương đương khoảng 23.000 đồng/kg.
Nói về thị trường tiêu thụ mặt hàng tươi sống của Việt Nam, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh từng nhận định, Việt Nam trở thành thị trường quan trọng trong xuất khẩu thực phẩm và nông sản của Hoa Kỳ. Nguyên nhân chủ yếu, thị trường đông dân đầy tiềm năng với nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ngày càng đa dạng của người Việt.
Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành lương thực – thực phẩm ở mức cao. Ngoài ra, thuế suất nhập khẩu đang tạo điều kiện để Hoa Kỳ nói riêng và các nước khác nói chung chọn Việt Nam là thị trường nhập khẩu.
Tại một hội nghị nói về chất lượng nông sản, thực phẩm của Việt Nam, bà Marieke Van Der Pijl – chuyên gia của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cảnh báo:
DN thực phẩm đến từ các nước đã và đang chuẩn bị chất lượng, tiêu chuẩn cho hàng hóa, đồng thời đếm từng ngày để đưa hàng vào Việt Nam nhiều hơn. Thời gian tới, thực phẩm từ các nước vào Việt Nam nhiều hơn hiện nay.
Các DN kinh doanh ngành này đang trông chờ thuế suất nhập khẩu giảm mạnh từ các Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Vì vậy, ngành thực phẩm Việt cũng cần nâng cao chất lượng để giữ vững thị trường nội địa, phát triển thị trường xuất khẩu.
Dự báo giá heo hơi xuất chuồng ngày 10/9: Liệu giá heo hơi có thiết lập được kỷ lục mới?
Giá heo hơi liên tục tăng ở hai miền Bắc và miền Nam, phổ biến ở mức 48.000 – 54.000 đồng/kg, mới mức giá hiện ... |
Dự báo giá heo hơi xuất chuồng ngày 9/9: Giá heo hơi tại miền Nam tiếp tục tăng, tạo mức giá mới
Giá heo hơi tại nhiều địa phương đã tăng trở lại khoảng 1.000 - 2.000 đ/kg, đáng chú ý có miền Nam tăng tới 3.000 ... |
Dự báo giá heo hơi xuất chuồng ngày 8/9: Giá heo liệu có đà tăng mới?
Giá heo hơi ở hai miền Bắc và miền Trung đã đi dần vào ổn định, nhưng tại miền Nam có thể tiếp tục đà ... |
Hàng loạt cửa hàng tung khuyến mại sốc cổ vũ U23 Việt Nam giành chiến thắng
Hòa vào không khí chiến thắng của U23 Việt Nam trước đối thủ U23 Syria, nhiều chủ quần áo, nước hoa, phụ kiện, quán ăn, ... |