Người tiêu dùng trước ma trận thịt đông lạnh nhập khẩu giá rẻ. Ảnh: K.LINH |
Giá thịt nhập ngoại rẻ bất ngờ
Theo ghi nhận của PV tại siêu thị Metro Thăng Long chiều 27.3, sản phẩm cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil vẫn được bày bán với giá 74.900 đồng/kg. Trước đó, ghi nhận của PV vào thời điểm tháng 1.2017, siêu thị này cũng nhập khẩu cánh gà đông lạnh Brazil và chân gà nhập khẩu Brazil cũng có giá “siêu rẻ” chỉ hơn 51.000 đồng/kg… Ngoài ra, tại một siêu thị trên đường Trần Đăng Ninh, có thời điểm cánh gà nhập khẩu của Brazil cũng chỉ có giá là 86.900 đồng/kg. Quy chiếu mức giá khi vào siêu thị với mức giá nhập khẩu các mặt hàng thịt từ Brazil do Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, chênh lệch không quá lớn, dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Ngoài ra, trên các “chợ mạng”, sản phẩm thịt Brazil cũng dễ dàng mua được từ các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu với giá rẻ hơn bằng 1/3 so với các sản phẩm tương tự của Mỹ và Australia. Nhân viên tư vấn một Cty phân phối thực phẩm sạch tại Đông Anh cho biết, giá bán thịt bắp bò nhập từ Brazil có giá mua nguyên thùng 20kg là 145.000 đồng/kg, gầu bò và nạm bò đồng giá 130.000 đồng/kg... Trên mạng xã hội (MXH) Facebook, một cửa hàng chuyên cung cấp thịt nhập khẩu ở Đống Đa (Hà Nội) cũng quảng cáo đủ các loại thịt nhập khẩu được bán với giá rất rẻ, riêng thịt bò nhập khẩu từ Brazil cũng chỉ bán với giá 170.000 đồng/kg.
Các sản phẩm thịt bò, thịt gà nhập ngoại tại Big C Thăng Long có giá: Bắp bò Australia: 312.900đ/kg, thăn ngoại bò Australia: 415.000đ/kg, nạc lưng bò Australia: 425.000đ/kg, gầu bò Mỹ 500gr: 168.000đ/gói, gầu bò Mỹ 300gr: 102.000đ/gói, ba chỉ bò Mỹ 300gr: 71.000đ/gói; đùi tỏi gà Mỹ đông lạnh 32.500đ/kg; chân gà xuất xứ Brazil: 71.000đ/kg; nạm bò Australia: 200.000đ/kg; bắp bò Australia: 325.000đ/kg, nạc lưng bò Australia: 430.000đ/kg…
Đáng chú ý, không riêng gì Brazil, nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu đông lạnh khác tại Metro cũng có giá “siêu rẻ”. Cụ thể, chân gà nhập khẩu đông lạnh của Australia có giá 56.900 đồng/kg, đùi góc tư gà đông lạnh xuất xứ của Mỹ cũng chỉ 39.900 đồng/kg, cánh gà tây đông lạnh Mỹ giá 64.900 đồng/kg, đùi tỏi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ chỉ có 34.900 đồng/kg… Trong khi đó, riêng cánh gà công nghiệp của Việt Nam cũng đã có giá 78.900 đồng/kg, đùi gà công nghiệp góc tư là 69.700 đồng/kg... cao hơn hẳn so với các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Người tiêu dùng trước ma trận thịt đông lạnh nhập khẩu giá rẻ. Ảnh: K.LINH |
Đi tìm lời giải đáp
Tại sao thịt ngoại nhập khẩu bằng ngoại tệ giá lại rẻ? Đó là câu hỏi của nhiều người tiêu dùng. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Tống Xuân Chinh - Cục trưởng Cục Chăn nuôi - cho rằng: Khi mở cửa hội nhập, thì việc hàng hóa lưu thông giữa các quốc gia là điều bình thường. Các quốc gia đều có biện pháp tự vệ bằng cách tăng cường hàng rào kỹ thuật để kiểm soát tốt nguồn thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, để không thua ngay trên chính sân nhà, ngành nông nghiệp phải cải tiến công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng để tăng săng suất, chất lượng sản phẩm. Làm sao ta có thể “thắng” được hàng ngoại nhập khi chi phí cho sản xuất trong nước đối với chăn nuôi lợn đã lên tới 39.000-40.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi ở nước ngoài chỉ hết 80-90 cent (tương đương 18.000-20.000 đồng/kg). “Vấn đề là cơ quan chức năng và Cục Thú y (Bộ NNPTNT) phải xác định được nguồn thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam chất lượng như thế nào, bởi ở nước ngoài, những loại hàng cận “đát” được bán với giá rất rẻ” - ông Tống Xuân Chinh thẳng thắn nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho rằng, Nhà nước khá khắt khe truy xuất nguồn gốc của thực phẩm chăn nuôi trong nước, thì người tiêu dùng chỉ biết thông tin về nguồn gốc thịt nhập ngoại hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nhập khẩu và kinh doanh (siêu thị, trung tâm thương mại…). Ông Nguyễn Kim Đoán đặt câu hỏi: “Đồng ý là giá thành thịt gia súc, gia cầm chăn nuôi ở nước ngoài rẻ hơn ở Việt Nam, nhưng thử đặt câu hỏi, tại sao với bao chi phí: Vận chuyển, thuế nhập khẩu (của đơn vị nhập khẩu), thuế GTGT (của siêu thị), lợi nhuận của đơn vị kinh doanh… mà giá thịt ngoại vẫn được bán với giá “bèo” như vậy?
Còn ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam - cho biết: Ngành chăn nuôi Việt Nam phải phát triển mạnh các trang trại lớn để có lợi thế nhờ quy mô, áp dụng công nghệ và cách thức quản lý hiện đại. Điều này sẽ giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng thịt, giúp hàng nội đứng vững trước làn sóng nhập khẩu thịt ngoại. Ông Nguyễn Kim Đoán cũng cho biết thêm, để bảo hộ được ngành chăn nuôi trong nước, các nhà quản lý cần hoạch định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc này cần phải làm ngay lập tức!
Theo Tổng cục Hải quan, các loại thịt xuất xứ từ Brazil được nhập về Việt Nam từ đầu năm đến 15.3.2017 chủ yếu gồm: Thịt và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus domesticus với 1,54 nghìn tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD (tương đương với 0,97 USD/kg, tức hơn 22.000 đồng/kg); tiếp theo là cánh gà thuộc loài Gallus domesticus với 0,77 nghìn tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD (tương đương với 1,81 USD/kg, tức hơn 41.000 đồng/kg); các loại thịt và phụ phẩm dạng thịt khác là 0,47 nghìn tấn, trị giá hơn 1 triệu USD (tương đương 2,12 USD/kg, tức hơn 48.000 đồng/kg)…