Thói quen sai lầm của người Việt khi sử dụng tiếng Anh

Học bằng suy diễn dẫn đến đọc sai, bỏ âm cuối, quy luật hóa cách nhấn trọng âm... là những cái sai phổ biến của người Việt.
thoi quen sai lam cua nguoi viet khi su dung tieng anh Kỳ thi Quốc gia 2018: Lưu ý đặc biệt với môn tiếng Anh
thoi quen sai lam cua nguoi viet khi su dung tieng anh Hơn 1.200 học sinh tiểu học Hà Nội tranh tài thi tiếng Anh
thoi quen sai lam cua nguoi viet khi su dung tieng anh Học môn Tiếng Anh như thế nào để đạt điểm cao trong kì thi THPT quốc gia 2018?

Thầy giáo Nguyễn Phương từng nhiều năm giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ về việc học tiếng Anh, nhất là phát âm của người Việt.

Thi thoảng cha mẹ học sinh phàn nàn về chuyện phát âm của thầy cô dạy tiếng Anh. Thậm chí có những phàn nàn thái quá, như “giáo viên Việt ở các trung tâm ngoại ngữ phát âm sai hết”. Thực tế không hẳn như vậy.

Một lần, để xác định tính xác thực của nhận xét như vậy, tôi bảo người có nhận xét đó ghi lại phát âm của cô giáo. Khi nghe lại, tôi bảo cô giáo phát âm không sai mà do tai nhạc của anh (cháu tôi) có vấn đề. Để thuyết phục hơn, tôi so sánh phát âm của cô giáo với âm chuẩn (của từ điển phát âm) bằng phần mềm so sánh phổ âm. So sánh khẳng định cô giáo phát âm đúng, chỉ khác âm sắc, cao độ. Tôi bảo anh phát âm theo, thì anh lại đọc không đúng.

Vậy nhận xét đúng sai về việc thầy cô phát âm không phải ai cũng phán được. Người hát sai nhạc rất có thể sẽ phán người hát đúng là hát sai!

Lại lần khác, cháu gái tôi học lớp 9 bảo: “Cô giáo cháu đọc hai từ ‘cool air’ trong bài cứ như là một từ, âm cuối từ cool dính vào âm đầu từ air, đúng hay sai?”. Tôi bảo: “Khi đọc liền mạch, tự nhiên, cô giáo đọc như thế là đúng đấy”.

Đừng nghĩ giáo viên nước ngoài mới phát âm chuẩn

Một cách nôm na, phát âm sai đồng nghĩa với “ông nói gà, bà nói vịt”.

Một lần tôi được mời thăm một trung tâm ngoại ngữ. Ở đó có cả thầy cô nước ngoài (bản ngữ) và thầy cô Việt dạy tiếng Anh.

Sau quan sát và trao đổi, với kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy mấy cô giáo trẻ người Việt nói tiếng Anh khá hay và lưu loát, hầu hết phát âm theo tiếng Mỹ khá chuẩn. Phải nói một cách công bằng là nhờ được tiếp cận tiếng Anh chuẩn mực bằng nhiều con đường, du học, tự trau dồi, nhờ phương tiện điện tử... giáo viên trẻ ngày nay tiến bộ rất nhiều. Họ phát âm chuẩn hơn, nói lưu loát hơn, phương pháp dạy sinh động hơn, và tự tin hơn các thế hệ đồng nghiệp trước, không kém người bản ngữ mấy.

Chất lượng giáo viên phải được xem xét ở từng người, bất kể đó là bản ngữ tiếng Anh hay Việt, chính quy hay tại chức… chứ không thể kết luận chung. Hãy tưởng tượng một người nước ngoài học tiếng Việt, tội cho học viên nào vớ phải một ông du lịch người Việt có tật nói ngọng, đặc giọng địa phương, và học vấn thấp! Nhớ rằng không phải người Việt nào cũng nói tiếng Việt chuẩn và dạy được tiếng Việt. Với ngoại ngữ cũng vậy.

Và, chuyện phát âm sai không chỉ có trong học ngoại ngữ (mà cả “nội ngữ”).

“Các loại” tiếng Anh

Theo S. Huntington, chính nhờ tiếng Anh không còn mang bản sắc chủng tộc, nên nó càng ngày càng được sử dụng rộng rãi gần như trong mọi lĩnh vực.

Cũng do vậy, người ta đã có thể nói đến “các loại” tiếng Anh (Englishes). Ngoài những biến thể chính là tiếng Anh nói ở Mỹ, Australia, New Zealand…, có tiếng Anh Ấn Độ, Singapore… và có lẽ sắp có Venglish?

Trong sự giao thoa với tiếng bản địa, tiếng Anh cũng có những biến dạng tạo ra những khó khăn trong giao tiếp.

Người Việt được đánh giá là có khả năng bắt chước âm tốt nhất trong khu vực châu Á. Một phần có lẽ nhờ tiếng Việt có đến 6 thanh điệu, hệ thống chữ cái Latin đủ để bao quát âm vực các âm và chữ cái của tiếng Anh, và “tai nhạc” người Việt tốt hơn? Không thấy người Việt đọc “when” là /ven/ như nhiều người Thái, hay đọc “mail” là /meo/…

Song, chính những sự gần gũi ấy lại đôi khi làm người học ngộ nhận và đơn giản hóa âm của tiếng Anh. Mặc dù tiếng Việt và tiếng Anh có những chữ viết/âm gần giống nhau, nhưng thật ra chúng có cách phát âm không hoàn toàn giống nhau. Âm Anh thường bị người nói đồng hóa trong giao thoa với âm của tiếng Việt, tức là bị “Việt hóa”.

thoi quen sai lam cua nguoi viet khi su dung tieng anh

Trong tiếng Anh, phát âm đúng rất quan trọng. Ảnh minh họa.

Những thói quen sai lầm

Khuôn khổ một bài báo phổ thông chỉ cho phép bàn về một số điểm tương đối điển hình để minh họa những thói quen của người Việt sử dụng tiếng Anh (không chỉ người Việt trong nước).

Chính tả và phát âm. Một trong những thói quen không tốt của người học, đó là tật học bằng suy diễn (by analogy), dẫn đến đọc sai.

Tiếng Anh có nhiều từ có chữ viết giống nhau nhưng đọc khác nhau: plough, enough, thought, though, through, borough; ace, face và preface; chore và chorus, chaotic. Không thể suy cách đọc từ “cough” để đọc từ “though” hay “through”…

Từ có cùng chữ viết nhưng cách phát âm và trọng âm khác nhau khi chúng chuyển loại từ, ví dụ động từ “export” và danh từ “export”, động từ “increase” và danh từ “increase”… khác nhau cả về cách đọc và vị trí trọng âm (chỗ nhấn); “clean” trong danh từ “cleanliness” không còn đọc như gốc... Ví dụ vừa nêu khá phổ biến trong tiếng Anh.

Người học đặc biệt không “công thức hóa” các hiện tượng ngôn ngữ, (ví dụ, không nên kết luận “cứ viết OO thì đọc là /u/; cứ viết là EA thì đọc là /i:/…; từ có hai âm tiết thì trọng âm nhấn vào âm tiêt thứ nhất…).

Thêm nữa, trong khi tiếng Anh không phải tiếng thanh điệu như tiếng Việt, ta không nên đọc từ tiếng Anh như thể nó có dấu thanh: đọc “card” là /cạc/, “source” là /suộc/… như thể có dấu nặng (.).

Đó là cách học dẫn đến sai lầm, vì từ tiếng Anh nổi tiếng là “viết một đường, đọc một nẻo”. Mọi quy luật trong tiếng Anh đều có rất nhiều ngoại lệ. Người dạy đừng “xui dại” người học theo cách đó.

Âm cuối. Tiếng Anh và tiếng Việt khác nhau còn ở cách đọc các âm cuối mỗi từ, đặc biệt là âm phụ âm.Ví dụ, khi được đọc lên, từ “write” và “ride”, “rice” và “rise” khác nhau ở âm vị cuối (/t/ vs /d/, /s/ vs /z/) khiến chúng khác nhau về nghĩa. Do từ tiếng Việt không coi trọng những đặc thù đó nên khi nói tiếng Anh, người Việt có xu hướng gần như bỏ âm cuối, một điều gây khó khăn và khó chịu cho người nghe.

Ngược lại, cũng có người quá chú trọng đến âm cuối đến mức cường điệu làm mất tính tự nhiên, ví dụ, “home” thì cường điệu đọc thành gần như “homer” (gần như thêm một âm tiết).

Tính chất âm. Mặc dù tiếng Việt, ví dụ cũng có âm /t/, nhưng không có tính chất bật hơi như trong tiếng Anh; âm /k/ trong “lúc” không đọc như trong “look” của tiếng anh... Đó là sự khác nhau về đặc tính của âm này giữa hai thứ tiếng.

Trọng âm. Trước hết là trọng âm từ, người học tuyệt đối không “quy luật hóa”, “tổng kết” cách đánh trọng âm trong tiếng Anh thành những “công thức”, như trên đã nêu ví dụ. Tương tự học phát âm, gặp từ mới hay biến thể của từ, đừng bao giờ quên xem vị trí trọng âm chính và phụ.

Vì quy luật trong tiếng Anh đều có rất nhiều ngoại lệ, nên cách tốt nhất là ghi nhớ và thực hành.

Ngữ điệu. Ngữ điệu có tự nhiên hay không phụ thuộc vào phát âm, trọng âm, và nhịp điệu đúng. Nó sẽ giúp người nói nói lưu loát. Nhưng, khá nhiều người Việt có xu hướng đọc/nói tiếng Anh bằng một giọng ngang đều đều, không nhịp điệu và điểm nhấn của câu.

Với bất cứ người học và dạy tiếng Anh nào, khi tra nghĩa từ mới, đừng bao giờ quên tra cách phát âm; không phát âm theo lối suy diễn, khái quát hóa; hãy tìm cách so sánh cách phát âm của mình với các từ trong từ điển điện tử.

Vì ngữ âm thực hành, trong đó có phát âm, trọng âm và ngữ điệu, là quan trọng đối với người học tiếng Anh, nên đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay từ năm học 2001-2002 đến nay vẫn duy trì mục kiểm tra ngữ âm thực hành, có giá trị nhắc nhở học sinh và cả thầy cô.

Cho dù xu hướng ngày càng coi trọng sự lưu loát hơn độ chính xác, việc phát âm đúng, với ngữ điệu đúng sẽ giúp người khác giao tiếp với mình dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, và sang trọng hơn.

Học tiếng Mỹ hay tiếng Anh đều tốt, nhưng mỗi khi nghe bà Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu, cá nhân tôi vẫn cứ mê thứ tiếng Anh ấy hơn cả - “tròn vành rõ chữ” và sang trọng.

thoi quen sai lam cua nguoi viet khi su dung tieng anh Lần đầu tiên học sinh quốc tế tham dự cuộc thi toán Hà Nội mở rộng

Kỳ thi toán học Hà Nội mở rộng năm 2018 (HOMC 2018) sẽ diễn ra từ 26 - 30.3, với 498 thí sinh dự thi ...

thoi quen sai lam cua nguoi viet khi su dung tieng anh Sẽ cộng điểm cho HS lớp 9 đăng ký đúng địa bàn

Theo dự thảo Quy định tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6, lớp 10 và quy định tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên ...

thoi quen sai lam cua nguoi viet khi su dung tieng anh Bí quyết ôn luyện của chàng nam sinh đồ họa nhưng lại đam mê Lịch sử

Là một nhân viên thiết kế đồ họa nhưng Hà Thái Sơn thừa nhận, mình là một người có 'duyên nợ' với môn Lịch sử, ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.