Mỗi chuyến đò chở khoảng 15 - 17 học sinh qua sông lúc tan học. Ảnh: Đình Tuệ. |
Sở GTVT đã cấp áo phao từ lâu
Chiều 23/4, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Long – Giám đốc Sở GTVT Hải Dương liên quan đến việc hàng trăm học sinh phải vượt sông đi học trên những con đò cũ nát ở huyện Bình Giang.
Ông Long cho biết, Sở đã nắm bắt được tình hình và yêu cầu lãnh đạo huyện Bình Giang nghiêm cấm việc một số chủ đò chở học sinh qua sông mà không đảm bảo an toàn.
Đối với một số chủ đò khác tạm thời vẫn còn hoạt động, để đảm bảo an toàn, phía Sở GTVT đã cấp hơn 40 bộ áo phao để chủ đò đưa học sinh qua sông.
“Chúng tôi cũng đã làm việc với UBND huyện Bình Giang cùng chính quyền thị trấn Kẻ Sặt. Sở GTVT cũng đã hỗ trợ cho các cháu học sinh Kẻ Sặt hơn 40 bộ áo phao. Về phía huyện cũng đã lên phương án hỗ trợ kinh phí làm một con đò mới để đón đưa các cháu, nhưng hiện tại vẫn chưa đóng được đò”.
Cũng theo ông Lê Đình Long, Sở GTVT đã chuyển số áo phao đó xuống địa phương cách đây 3 - 4 tháng. Về phương án xây cầu mới là không hợp lý vì khoảng cách giữa cầu Sặt tới bến đò các em đi học chỉ gần 1km. Chính quyền huyện Bình Giang đã thống nhất với người dân về việc sắm đò mới cách đây mấy tháng rồi, sau đó thì lại chưa thực hiện được.
“Theo tìm hiểu, mỗi chuyến đò như vậy chở mỗi lượt gần 20 em học sinh. Chúng tôi đã phát cho chủ đò áo phao đó để cho người qua sông được mặc. Về chi phí cho một con đò mới tính ra chỉ vài chục triệu đồng.
Sở đang cho kiểm tra lại vấn đề này. Mấy hôm nay Sở cũng cử cán bộ xuống túc trực, yêu cầu học sinh đi đường bộ. Công an, Thanh tra Giao thông cũng tham gia trực để đảm bảo an toàn cho học sinh”, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương thông tin thêm.
Học sinh chưa nhận được bất cứ áo phao nào?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Phúc – Chánh văn phòng UBND huyện Bình Giang xác nhận, sự việc một số học sinh ở khu 5 thị trấn Kẻ Sặt qua sông đi học bằng đò cũ nát là có thật.
Toàn trường Tiểu học Kẻ Sặt có khoảng 104 học sinh có hộ khẩu thường trú ở khu 5. Ảnh: Đình Tuệ. |
Ông Phúc cho biết: “Cấp ủy và chính quyền địa phương rất quan tâm đến vấn đề này và có chỉ đạo cụ thể. UBND huyện Bình Giang đã có văn bản chỉ đạo giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng xử lý việc này. Quan điểm chỉ đạo của huyện là nghiêm cấm chở đò qua sông nếu không đảm bảo an toàn. Cuối năm 2016, huyện đã lập biên bản đối với các chủ đò tự ý hoạt động vận chuyển bằng đò cũ nát”.
Vị Chánh Văn phòng cũng thông tin, UBND huyện đã có báo cáo gửi Sở GTVT Hải Dương, văn bản đề nghị Sở GTVT Hưng Yên phối hợp để đề xuất lập bến đò. Khu 5 thị trấn Kẻ Sặt trước gọi là khu Đồng Xá ở bên kia sông Sặt, giáp ranh với xã Minh Đức (Mỹ Hào, Hưng Yên). Khu đất này nằm vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương nên phải thống nhất giữa hai địa phương”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, việc xây dựng bến đò ngang phải tuân theo các quy định của pháp luật. UBND huyện Bình Giang đã tham mưu với Sở GTVT Hải Dương và phối hợp với Sở GTVT Hưng Yên để thực hiện việc này. Phía huyện đã hỗ trợ việc đảm bảo an toàn và địa phương đang tập trung triển khai kế hoạch này.
Liên quan đến việc Sở GTVT cấp 40 áo phao cho học sinh, ông Đào Văn Khải, Trưởng khu 5 thị trấn Kẻ Sặt xác nhận, trước cũng có thấy lãnh đạo thị trấn giao áo phao về khu để phát cho chủ đò. Tuy nhiên, sau đó có lực lượng công an về yêu cầu chủ đò không được hoạt động trái phép nữa.
Ông Nguyễn Hoàng Long – Trưởng Công an huyện Bình Giang khẳng định: “Về nguyên tắc, việc các chủ đò hoạt động đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn là sai quy định.
Ở đó chưa được cấp phép thành lập bến đò ngang. Dù khoảng cách giữa cầu Sặt và khu vực bến đò mà học sinh đi đò qua là không quá xa, thói quen một số người dân vẫn thích đi đò vì cho rằng gần hơn.
Chúng tôi sẽ cử lực lượng xuống đó giám sát việc cấm chủ đò đưa đón học sinh qua sông gây mất an toàn như vậy”.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Lừng – một trong số các chủ đò đưa đón học sinh qua sông Sặt lại khẳng định, bà vẫn chưa hề nhận được áo phao để phát cho các cháu học sinh khi đi đò.
Như vậy, hiện Sở GTVT và UBND huyện Bình Giang đang loay hoay với giải pháp "tình thế" là cấp áo phao, đóng thuyền mới, rồi lên phương án lập bến đò mới để hàng trăm học sinh vượt sông đi học được an toàn.
Lực lượng công an lại chưa phối hợp với địa phương xử lý triệt để việc những con đò không đảm bảo an toàn tại thị trấn Kẻ Sặt.
Chính điều này khiến thời gian qua, hàng trăm học sinh vẫn phải đến trường trên những con đò cũ nát, không có áo phao, nguy cơ mất an toàn cao.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Hàng trăm học sinh vượt sông đi học trên những con đò cũ nát
Ngày ngày, hàng trăm học sinh (ở Khu 5, thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang, Hải Dương) phải ngồi trên những con đò cũ nát, ... |