Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trực thuộc UBND TP HCM. Công ty được thành lập năm 1995, với vốn điều lệ 893,5 tỉ đồng, 100% thuộc sở hữu của UBND TP HCM.
Từ năm 2010, Satra quản lí theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động với hình thức công ty mẹ - công ty con. Tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của doanh nghiệp đạt 8.660 tỉ.
Nếu đúng kế hoạch trước đây, Satra đã cổ phần hoá từ thời điểm 2016-2017. (Ảnh: Satra).
Theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt, Satra nằm trong nhóm doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần. Thủ tướng cũng giao thời hạn cho Satra hoàn tất cổ phần hóa đến trước năm 2021.
Tình hình kinh doanh tại Satra trong những năm gần đây rất khả quan với doanh thu và lợi nhuận tăng đều đặn trên 10%. Kết quả này thấy rõ nhất trong giai đoạn 2015-2018.
Cụ thể, năm 2015, doanh thu của Satra là 10.369 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.839 tỉ đồng. Con số này liên tục tăng trưởng qua các năm. Kết thúc năm 2018, Satra đạt tổng doanh thu hợp nhất 18.186 tỉ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4.054 tỉ đồng.
Đáng chú ý, một phần không nhỏ trong doanh thu và lợi nhuận của Satra hàng năm đến từ các công ty con và công ty liên kết.
Kết quả kinh doanh của Satra vẫn tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Hiện nay, "con cưng" của UBND TP HCM có 5 công ty con với tỉ lệ sở hữu từ 51-99,71%.
Danh sách các công ty con gồm Công ty CP Việt Nam Kĩ nghệ Súc sản (Vissan), Công ty TNHH May xuất khẩu Tân Châu, Công ty CPTM dịch vụ quận 3, Công ty CPTM Sài Gòn Tây Nam, Công ty TNHH Lương thực Ngọc Đồng và Công ty Vật tư tổng hợp TP HCM.
Ngoài ra, Satra còn có 20 công ty liên doanh, liên kết khác, với tỉ lệ sở hữu từ 20% trở lên. Trong danh sách này có các doanh nghiệp lớn và nổi tiêng như Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre, Công ty CP Bình Điền, Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam, Công ty CP Dịch vụ dầu khí Sài Gòn…
3 cái tên Vissan, Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam và Công ty TNHH Bia và nước giải khát Việt Nam, với thương hiệu quen thuộc Heineken, đóng góp rất lớn vào doanh thu và lợi nhuận của Satra hàng năm.
Đơn cử, nửa đầu năm nay, Satra có thu nhập khác đột biến lên đến 2.065 tỉ đồng. Tuy thuyết minh báo cáo tài chính không tiết lộ rõ về khoản mục này, nhưng theo thông lệ hàng năm, nhiều khả năng đây là khoản cổ tức được chia từ Vissan và Heineken.
Vissan chính là công ty con nổi nhất của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn. Công ty này được thành lập năm 1970 và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh năm 1974.
Năm 1995, Vissan trở thành công ty thành viên của Satra. Năm 2006, doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH MTV.
Vissan chính là công ty con nổi nhất của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn. (Ảnh: Phúc Minh).
Ngày 1/7/2016, sau gần 46 năm thành lập và phát triển, Vissan chính thức chuyển từ Công ty TNHH MTV thành Công ty CP, với vốn điều lệ 809 tỉ đồng.
Hiện Satra đang nắm giữ 67,76% cổ phần tại Vissan, một cổ đông lớn khác là Công ty CP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (ANCO) có trụ sở tại Đồng Nai, nắm 24,94% cổ phần.
Tính đến hết tháng 6/2019, vốn chủ sở hữu của Vissan đạt 1.008 tỉ , tăng 14 tỉ so với hồi đầu năm nay. Trong khi đó, tổng tài sản giảm 67 tỉ, còn 1.655 tỉ đồng.
Hiện Vissan là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành thực phẩm của cả nước, lĩnh vực hoạt động chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt.
Kết quả kinh doanh của Vissan liên tục tăng trưởng ổn định nhiều năm qua, năm sau cao hơn năm trước.
Nếu như năm 2015, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Vissan lần lượt đạt 3.721 tỉ và 153 tỉ đồng, thì kết thúc năm tài chính 2018, công ty lần lượt đạt doanh thu và lợi nhuận 4.440 tỉ và 175 tỉ đồng.
Nửa đầu năm nay, dù dịch tả châu Phi hoành hành nhưng lợi nhuận Vissan vẫn tăng trưởng tốt. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Nửa đầu năm 2019, kết quả kinh doanh của Vissan tiếp tục khả quan khi doanh thu lên đến 2.330 tỉ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 100 tỉ đồng, tăng đến 38% so với cùng kì năm ngoái, dù đang giữa vòng vay dịch tả heo châu Phi.
2 công ty liên kết nổi bật khác là Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam và Công ty TNHH Bia và nước giải khát Việt Nam - phân phối bia thương hiệu Heineken và các thương hiệu nước giải khát khác.
Hiện Satra nắm 40% vốn điều lệ tại mỗi công ty này. Bà Lê Minh Trang, Tổng giám đốc Satra, cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Nhà máy Bia Việt Nam.
Báo cáo tài chính ghi nhận cổ tức Satra được chia từ Heineken từ năm giai đoạn 2016-2018 ổn định 2.400-2.800 tỉ đồng. Năm 2018, Satra được chia 2.400 tỉ đồng, tuy có giảm so với các năm trước nhưng đây là mức đóng góp rất lớn vào tổng doanh thu của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn.
Ngoài kinh doanh ổn định với lợi nhuận nghìn tỉ mỗi năm, doanh nghiệp con cưng của UBND TP HCM còn sở hữu một hệ sinh thái sản xuất - phân phối thuộc hạng đáng mơ ước, như chợ đầu mối Bình Điền, hệ thống trung tâm thương mại Centre Mall, siêu thị Satra Mart, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi SatraFood.
Tính đến nay, Satra đã có 3 trung tâm thương mại, 4 siêu thị Satramart và hơn 200 cửa hàng SatraFoods. Satra cũng đã thành lập trung tâm điều hành bán lẻ Satra Cần Thơ để phát triển hệ thống bán lẻ địa phương, đồng thời, có cả văn phòng đại diện tại Nhật Bản.
Thương xá Tax - hình ảnh biểu tượng quen thuộc của người TP HCM hiện đang đầu tư mới dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ văn phòng khách sạn Satra Tax Plaza. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Satra còn được giao đầu tư dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ văn phòng khách sạn Satra Tax Plaza, gồm 40 tầng tại trung tâm quận 1.
Dự án này nằm trên diện tích của Thương xá Tax có tuổi đời hơn trăm tuổi, gắn bó với người dân thành phố từ trước đến nay.
Tòa nhà được khánh thành năm 1924, sau năm 1975, thuộc sự quản lí của UBND TP HCM. Năm 1978, là Cửa hàng phục vụ thiếu nhi thành phố. Năm 1981, đổi tên thành Cửa hàng bách hóa tổng hợp thành phố, thuộc sự quản lí của Sở Thương nghiệp.
Năm 1997, là Công ty bán lẻ Sài Gòn thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và từ năm 1998 được đổi lại tên là Thương xá Tax.
Báo cáo mới đây của Satra cho biết kể từ khi Thương xá Tax đóng cửa năm 2014, hiện dự án đã được cơ quan chuyên ngành chấp thuận hồ sơ đấu nối hạ tầng như cấp điện, nước, giao thông, đánh giá tác động môi trường, độ cao công trình.
UBND TP HCM đã chấp thuận các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và phương án kiến trúc công trình, hiện Sở Quy hoạch kiến trúc đang thực hiện các thủ tục để trình UBND TP phê duyệt điều chỉnh cục bộ 1/2.000 làm cơ sở duyệt tổng mặt bằng cho dự án.