Đầu tháng 9, tranh thủ mùa tựu trường, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) đồng loạt khai trương 26 trung tâm laptop trên toàn quốc. Đây chỉ là một trong số một loạt mô hình hoàn toàn mới gần đây mà doanh nghiệp bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài đang triển khai.
Trao đổi với phóng viên về mô hình mới này, CEO chuỗi Thế Giới Di Động - ông Đoàn Văn Hiểu Em, đã có những tiết lộ về mục tiêu, kế hoạch và thậm chí là những ngành hàng mới mà TGDĐ sẽ tiếp tục bán thêm trong thời gian tới.
"Laptop là một thị trường rất tiềm năng, nhưng hiện bị phân mảnh rất nhỏ, tức có nhiều cửa hàng, thương hiệu khác nhau. Hiện Thế Giới Di Động chỉ mới chiếm khoảng 20% thị phần laptop trong khi các ngành hàng khác hơn 50%. Sau khi xem xét lại các ngành hàng, chúng tôi quyết định đầu tư", ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết.
Thế Giới Di Động vừa khai trương 26 trung tâm laptop trên cả nước. (Ảnh: Phúc Minh).
Theo ông Hiểu Em, năm 2018 doanh thu laptop của Thế Giới Di Động khoảng 2.000 tỉ đồng. Sự ra đời của mô hình trung tâm laptop sẽ khiến doanh thu mảng này năm nay có thể tăng lên 2.700-3.000 tỉ.
Đồng thời, năm 2020 được xem là giai đoạn tăng tốc của trung tâm laptop với doanh thu kì vọng lên đến 5.000-6.000 tỉ đồng. Mục tiêu của Thế Giới Di Động là sẽ có 180-240 trung tâm laptop, chiếm hơn 50% thị phần ngành hàng như cách đã thành công với điện thoại và điện máy.
Chỉ riêng năm nay, Thế Giới Di Động đã làm cho khách hàng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi bán thêm một loạt sản phẩm, ngành hàng mới.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em tiết lộ thêm mục tiêu đến cuối tháng 9 này, Thế Giới Di Động sẽ có 100 cửa hàng đồng hồ theo mô hình "shop-in-shop" được tích hợp bán trong hệ thống cửa hàng điện thoại thegioididong.com và chuỗi điện máy Điện Máy Xanh.
Tính đến hết tháng 7, hãng đã có 42 cửa hàng đồng hồ. Như vậy, trung bình mỗi ngày sẽ có thêm 1 cửa hàng đồng hồ được mở như chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em.
Thế Giới Di Động muốn cuối năm nay sẽ có hơn 200 cửa hàng đồng hồ. (Ảnh: Phúc Minh).
CEO chuỗi này cũng cho biết thêm, Thế Giới Di Động sẽ có tổng cộng 200 cửa hàng đồng hồ trên thị trường đến cuối năm nay. Với mục tiêu này, nếu tính từ thời điểm bắt đầu kinh doanh đồng hồ vào tháng 3 năm 2019, trung bình mỗi tháng, Thế Giới Di Động mở 25 điểm bán đồng hồ.
Lãnh đạo Thế Giới Di Động cũng khẳng định nhận thấy tín hiệu khả quan của thị trường đồng hồ, khi thu được 39 tỉ đồng chỉ sau 4 tháng thử nghiệm.
Các cửa hàng tích hợp bán thêm đồng hồ đã tăng trưởng doanh thu ít nhất 10% so với trước.
"Bộ đôi" đi kèm với đồng hồ gây chú ý thời gian qua của Thế Giới Di Động chính là mắt kính. Hãng bắt đầu bán mắt kính vào cuối tháng 6/2019, với cửa hàng đầu tiên nằm tại quận 9 (TP HCM).
Các cửa hàng điện thoại hiện nay là nơi tích hợp bán đồng hồ, mắt kính của Thế Giới Di Động. (Ảnh: Phúc Minh).
Thời điểm đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết quy mô thị trường mắt kính thậm chí lớn hơn cả đồng hồ, dao động khoảng 1 tỉ USD. Thế Giới Di Động quyết định kinh doanh, phân khúc giá bán dao động từ 600.000 đồng đến 3 triệu đồng/sản phẩm.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em tiết lộ, Thế Giới Di Động đã có kế hoạch phát triển mô hình này và dự định sẽ bán thêm kính thuốc để tăng sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, trái ngược với việc liên tục mở rộng như đồng hồ, hiện số lượng cửa hàng có tích hợp bán thêm mắt kính của Thế Giới Di Động chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng loanh quanh tại khu vực cửa hàng đầu tiên.
Trong kế hoạch phát triển các mô hình mà CEO chuỗi Thế Giới Di Động Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ, đáng chú ý là thông tin doanh nghiệp sẽ quay trở lại bán máy ảnh, nhất là khi laptop đã được tách ra khỏi ngành hàng ICT.
"Trước đây, Thế Giới Di Động đã từng bán máy ảnh, nhưng thời điểm đó cũng là lúc thị trường smartphone phát triển mạnh. Không loại trừ việc hãng sẽ quay lại bán máy ảnh, bởi đây là sản phẩm có phân khúc khách hàng riêng", ông Đoàn Văn Hiểu Em nói.
Kết quả kinh doanh của TGDĐ liên tục tăng trưởng từng năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Đầu những năm 2010, trong các sản phẩm kinh doanh của Thế Giới Di Động có máy ảnh kĩ thuật số, với mức giá từ vài triệu đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, ngành hàng này nhanh chóng bị khai tử, vì thực tế những chiếc điện thoại thông minh cũng có chức năng chụp ảnh với chất lượng không quá thấp so với dòng sản phẩm mà Thế Giới Di Động kinh doanh.
"Như anh Tài (Chủ tịch HĐQT TGDĐ Nguyễn Đức Tài) nói, Thế Giới Di Động hiện sẽ bán cả những thứ chưa từng bán, để tiếp cận những khách hàng chưa từng tiếp cận", ông Em khẳng định.
Như vậy, rất có thể máy ảnh sẽ được hồi sinh tại các cửa hàng thuộc hệ thống Thế Giới Di Động.
Mới đây, Thế Giới Di Động đã "hồi sinh" một mô hình mà trước đây hãng từng "khai tử", đó là cửa hàng điện thoại siêu rẻ, hướng đến nhóm khách hàng bình dân với mức giá thấp hơn chuỗi thegioididong.com.
Mô hình này đã có 10 cửa hàng được mở trong tháng 9, tại Gò Vấp.
Cửa hàng điện thoại siêu rẻ của Thế Giới Di Động đang tấn công khu vực vùng ven, nơi khách hàng bình dân đông đảo. (Ảnh: Phúc Minh).
Cách đây vài năm, Thế Giới Di Động đã nghĩ đến việc chiếm thị phần và "xóa sổ" các cửa hàng kết hợp mua bán và sửa chữa điện thoại ở các khu vực vùng ven. Doanh nghiệp ra mắt thử nghiệm các cửa hàng theo mô hình này tại thị trường lân cận TP HCM.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Tài cũng cho biết vốn đầu tư các cửa hàng này không nhiều, chỉ khoảng 100 triệu/cửa hàng, và nếu thành công, Thế Giới Di Động sẽ nhân rộng mô hình.
Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã rơi vào im lặng và không được nhắc đến thời gian qua.
Tính đến hết tháng 7/2019, doanh thu thuần hợp nhất của Thế Giới Di Động đạt 60.929 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 37%, đạt 2.411 tỉ đồng, hoàn thành đến 68% kế hoạch lợi nhuận của cả năm nay.