Vượt qua những khó khăn của một năm bị tác động bởi dịch Covid-19, phòng vệ thương mại vẫn được triển khai toàn diện nhằm bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế.
Tuy nhiên, trong năm 2021, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở cả xuất khẩu và nhập khẩu vào Việt Nam dự kiến sẽ lớn hơn khiến cho các ngành hàng sản xuất trong nước phải đứng trước những thách thức, khó khăn mới.
Do đó, ngoài việc Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật lệ và cam kết quốc tế, doanh nghiệp, ngành hàng cũng phải trang bị kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, giúp giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Với 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tham gia, việc hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ này đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên rõ rệt.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng từ mức 15 tỷ USD năm 2001 lên gần 100 tỷ USD năm 2011, đạt 281,5 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng khoảng 4-5% trong năm 2021.
Thế nhưng, cùng với việc gia tăng xuất khẩu, số vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng hóa Việt Nam cũng theo đà tăng.
Đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng, gồm cả mặt hàng xuất khẩu quan trọng như: tôm, cá tra, sắt thép, nhôm, gỗ…
Tuy nhiên, Việt Nam đã kháng kiện thành công đối với khoảng 43% vụ việc; đảm bảo nhiều mặt hàng như: cá basa, tôm tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ việc ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.
Đáng lưu ý, tính đến nay Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc phòng vệ thương mại và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế như: sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón, bột ngọt, đường...
Theo ông Chu Thắng Trung-Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), các biện pháp phòng vệ thương mại là các công cụ chính sách phù hợp được WTO công nhận và cho phép các thành viên sử dụng trong thương mại quốc tế.
Thống kê của WTO cho thấy, từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1995 đến nay đã có hơn 4.500 biện pháp phòng vệ thương mại được các nước thành viên WTO áp dụng.
Vì vậy, việc hàng xuất khẩu gặp phải các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế không phải là hiện tượng bất thường.
Cùng với chủ trương tích cực hội nhập kinh tế, Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do nên hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được dỡ bỏ ngày càng nhiều. Điều này một mặt khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn tại các thị trường nhập khẩu.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác cũng tạo áp lực đối với các doanh nghiệp sản xuất nội địa tại thị trường nhập khẩu, buộc doanh nghiệp phải tìm đến các công cụ chính sách thương mại hợp pháp để bảo vệ lợi ích; trong đó có các công cụ chính sách phòng vệ thương mại.
Vì vậy, ông Chu Thắng Trung cho rằng một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gần đây phải đối diện và ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài là tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế.
Điều này cũng thể hiện năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển.
Nhận định về thực tế này, ông Lê Triệu Dũng-Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh: Phòng vệ thương mại đang ngày càng trở nên phổ biến, là các biện pháp hợp pháp được WTO cho phép nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng đối với hàng sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Hơn nữa, đây còn là “phao cứu hộ” cho doanh nghiệp khi ra "biển lớn" nên khi các nền kinh tế hội nhập, tự do nhất cũng là lúc các nước này áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất.
Ông Lê Triệu Dũng cũng chỉ ra, năm 2021 do chính sách bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam dự kiến cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn sắp tới.
Điều này sẽ khiến cho các ngành hàng sản xuất trong nước đứng trước những thách thức, khó khăn mới, nhất là khi thực hiện các cam kết từ nhiều FTA quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có mức độ cạnh tranh khốc liệt.
Chính vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại đã đưa ra khuyến cáo tới doanh nghiệp, ngành hàng cần có sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, nhất là các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam và các thị trường đang và sẽ xuất khẩu cũng như chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại trong thời gian tới.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo các chuyên gia, phòng vệ thương mại của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Đó là năng lực phòng vệ thương mại của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp chưa được nâng cao; hệ thống pháp luật, cơ chế triển khai, phối hợp giữa các cơ quan trong xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài còn bất cập.
Bộ Công Thương đã có Đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới nhưng các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thảo Hiền-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, để giảm bớt những vụ việc về phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần đẩy mạnh những nhóm hàng Việt Nam chủ động nguồn cung và có giá trị gia tăng cao, có nhiều cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh như: nông sản-thực phẩm, thủy sản, thiết bị y tế.
Doanh nghiệp đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng, chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền chế biến sâu, gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Theo giới phân tích, các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài doanh nghiệp nhưng nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng là rất lớn nên các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi thông tin, tích cực phối hợp với hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước để cùng giải quyết hiệu quả. Hơn nữa, các biện pháp đối phó với phòng vệ thương mại được chuẩn bị chủ động sẽ khiến doanh nghiệp lớn mạnh hơn.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế những rủi ro, ông Lê Triệu Dũng khẳng định: Trong năm nay, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Đề án về nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới và Đề án về nâng cao năng lực phối hợp trong phòng vệ thương mại sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Cục tiếp tục triển khai Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại; trong đó chú trọng hoạt động cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp.
Mặt khác, Cục cũng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nhất là hàng hóa lưu thông trong nước.
Đặc biệt, theo ông Lê Triệu Dũng, trong năm 2021 Cục Phòng vệ thương mại sẽ hoàn thành và phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chủ động sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng./.