Thu từ khu công nghiệp giảm, giá cao su tăng kéo lợi nhuận GVR tăng mạnh

Nhờ giá mủ cao su tăng cao, trong quý I/2021, Tập đoàn Cao su Việt Nam ghi nhận lãi sau thuế gấp gần 4 lần cùng kỳ.
Lợi nhuận Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) thăng hoa trong ba tháng đầu năm - Ảnh 1.

Trụ sở Tập đoàn Cao su Việt Nam tại TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã: GVR) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, với tổng doanh thu tăng 77% so với cùng kỳ năm trước lên 4.850 tỷ đồng. Doanh thu trên giá vốn khiến lợi nhuận gộp doanh nghiệp trong kỳ tăng 172% đạt 1.397 tỷ đồng.

Trong kỳ, các chi phí được kiểm soát, đặc biệt là chi phí tài chính giảm gần 70% so với cùng thời điểm năm ngoái. Do đó, sau khi khấu trừ các chi phí liên quan, kết thúc quý I, Tập đoàn Cao su Việt Nam ghi nhận 1.216 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác khoảng 27.100 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 5.700 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I, doanh nghiệp thực hiện được gần 18% mục tiêu doanh thu và gần 23% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lợi nhuận Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) thăng hoa trong ba tháng đầu năm - Ảnh 2.

Tổng hợp kết quả kinh doanh quý I/2021 của Tập đoàn Cao su Việt Nam. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất GVR).

Giải trình kết quả kinh doanh trong quý I, Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết lợi nhuận sau thuế tăng cao là do công ty đã chuẩn bị kịch bản sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới, sản lượng tiêu thụ và giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng cao.

Đồng thời, doanh thu cho thuê hạ tầng KCN tăng, sản lượng tiêu thụ và giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng, giúp lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của đại đa số các đơn vị có vốn góp của tập đoàn cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 cho thấy, doanh thu từ kinh doanh bất động sản khu công nghiệp của Tập đoàn Cao su Việt Nam đã sụt giảm trong quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước. 

Tính đến cuối năm 2020, Các công ty khu công nghiệp của Tập đoàn đã cho thuê 2.288,5 ha, đạt gần 89,5% diện tích.  

Giai đoạn 2021 - 2030, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự kiến thành lập mới và mở rộng 48 khu công nghiệp, 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích 39.177 ha (trong đó: Khu công nghiệp là 37.387 ha; cụm công nghiệp là 1.789 ha) từ chuyển đổi đất cao su.

Trước mắt trong giai đoạn 2021, Tập đoàn và các đơn vị thành viên tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư với cơ quan có thẩm quyền các cấp để triển khai đầu tư các KCN mở rộng như: Nam Tân Uyên giai đoạn 2, Rạch Bắp. Đồng thời trình với cấp có thẩm quyền đề xuất giao Tập đoàn làm chủ đầu tư các KCN trên đất cao su đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch KCN, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 như: Bắc Đồng Phú mở rộng, Minh Hưng III Cẩm Mỹ, Hiệp Thạnh, các KCN ở Long Thành.

Thu từ khu công nghiệp giảm, giá cao su tăng kéo lợi nhuận GVR tăng mạnh - Ảnh 3.

Tại thời điểm 31/3/2021, doanh nghiệp sở hữu hơn 79.000 tỷ đồng tổng tài sản, chủ yếu tài sản dài hạn chiếm 72%. Đáng kể là khoản tiền gửi có kỳ hạn gần 11.300 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả cuối kỳ của doanh nghiệp gần 27.000 tỷ đồng, giảm so với con số gần 29.000 tỷ đồng đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn - dài hạn hơn 11.568 tỷ đồng, chiếm hơn 44% tổng nợ doanh nghiệp.

Cuối quý I, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Cao su Việt Nam 52.137 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu 40.000 tỷ đồng, luỹ kế lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 5.074 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/4, cổ phiếu mã GVR dừng ở mức 23.400 đồng/cp, giảm 1,27%.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.