Thủ tướng: Mất đi một doanh nghiệp thì không phải chỉ là thất bại của doanh nghiệp, mà thất bại của Chính phủ, của chính quyền địa phương

"Chúng ta cần ý thức rằng để một doanh nghiệp hay một thương hiệu nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp, mà của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, nói chung là của tất cả chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận Hội nghị Thủ tướng với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững", diễn ra sáng nay (23/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú mời gọi cộng đồng doanh nghiệp xây dựng chuẩn mực môi trường, văn hoá kinh doanh. Doanh nghiệp cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, hối lộ, và kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.

Ông khẳng định: "Các cơ quan quản lí Nhà nước phải loại những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, do tham nhũng tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp".

Chính phủ có trách nhiệm nếu để 1 doanh nghiệp biến mất

Khẳng định với đại diện Bộ, ngành và lãnh đạo của hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô và trực tiếp hỗ trợ hợp lí đối với tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng: Phải loại những cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà gây khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng cho rằng Chính phủ có trách nhiệm nếu để 1 doanh nghiệp biến mất. (Ảnh: VGP).

Chính phủ cam kết thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách, tích cực rà soát rào cản pháp lí, chính sách, quy định, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành thiết chế bảo vệ quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản và lợi ích của doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về định hướng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới, để xử lí những bất cập, tồn tại.

Mỗi Bộ, ngành khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2020 tầm nhìn 2025.

"Chúng ta cần ý thức rằng để một doanh nghiệp hay một thương hiệu nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp mà của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, nói chung là của tất cả chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo. 

"Không thể biết doanh nghiệp rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực của mình phụ trách mà không quan tâm giải quyết, đừng có bệnh thờ ơ trong việc phát triển này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương tham dự đối thoại cùng lãnh đạo hơn 1.000 doanh nghiệp.

Việc tư nhân làm tốt để tư nhân làm, loại ngay những cán bộ nhũng nhiễu, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp

Trước đại diện lãnh đạo hơn 1.000 doanh nghiệp tham dự đối thoại, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục có những chính sách thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá.

Thủ tướng đặc biệt yêu cầu phải cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân, cho tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô thì Nhà nước phải tiếp tục nắm.

Thủ tướng: Phải loại những cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà gây khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Thủ tướng đã trực tiếp đối thoại với lãnh đạo hơn 1.000 doanh nghiệp sáng 23/12. (Ảnh: VGP).

"Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy, không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân, mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia", Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trao quyền cho tư nhân, kể cả tham gia cung cấp dịch vụ công và đề nghị các địa phương, các ngành nên quán triệt triển khai.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán và triệt để trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào những khâu còn yếu như xử lí việc mất khả năng thanh toán, độ dễ dàng khi nộp thuế, thủ tục mở doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, tính thực thi pháp luật, nhất là tiếp cận đất đai.

Tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cải thiện mạnh mẽ, rõ nét chỉ số phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng…

Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp, mỗi khi doanh nghiệp có sai sót hay chỉ là bất đồng.

"Các cơ quan quản lí Nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng mời doanh nghiệp xây dựng chuẩn mực môi trường, văn hoá kinh doanh

Song song các cam kết, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác và khuyến khích sự chủ động, tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với nhau khi khó khăn và cùng nhau vươn ra biển lớn.

Cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới, tái cấu trúc và cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu sản phẩm, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0.

Doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp, cần thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, cần nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường, nói không với gian lận thương mại, xuất xứ.

Thủ tướng nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.

Tại Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ cũng mời cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng các quy định chuẩn mực về môi trường và văn hóa kinh doanh, các quy định này cũng được xem là một khế ước cam kết hành động có trách nhiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp với các bộ, ngành.

Thủ tướng kì vọng với những thành quả quan trọng về kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2019 và khí thế mới 2020, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hãy tự tin đặt mục tiêu lớn hơn trong năm 2020, dám đặt tầm nhìn và nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn trong giai đoạn tới.