Thưa Bộ trưởng, chúng ta phải bình tĩnh đến bao giờ?

Trước hàng loạt các vấn đề bất cập của ngành Giáo dục, nhất là sau kỳ xét tuyển vào Đại học, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT "trấn an" dư luận: Chúng ta phải bình tĩnh để đánh giá đúng bản chất vấn đề...!

Tất nhiên, ở cương vị của Bộ trưởng, bình tĩnh lúc này cũng là một động thái cần thiết. Bởi, nếu không bình tĩnh, chỉ vì sức ép của dư luận mà đưa ra những quyết sách vội vàng có khi còn làm vấn đề vốn đã có nhiều bất cập lại càng trầm trọng hơn.

thua bo truong chung ta phai binh tinh den bao gio
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ xung quanh những vấn đề “nóng” của ngành giáo dục sáng 11/8. Ảnh Infonet.vn

Nhưng, quả thực, nếu suốt ngày chỉ nghe "Sắp tới, Bộ sẽ...", "Thời gian tới, chúng tôi sẽ...". Hoặc như câu vừa rồi, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017 -2018, Bộ trưởng nói: "Chúng ta phải bình tĩnh..." thì nhiều người không còn đủ kiên nhẫn nữa.

Bình tĩnh đến bao giờ khi hàng loạt các nghịch lý chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục đang hiện ra? Bình tĩnh được không khi ngay các phát biểu của Bộ trưởng, cũng chứa đầy những mâu thuẫn giữa lần phát biểu sau với lần phát biểu trước???

Vấn đề có lẽ cần bàn đến đầu tiên của ngành Giáo dục đó là sự "nhảy múa" của điểm số trong kỳ thi tốt nghiệp cấp trung học phổ thông làm cơ sở để xét tuyển đại học vừa diễn ra. Ngay trước khi kỳ thi diễn ra, một lãnh đạo Bộ Giáo dục đã tự tin trả lời báo chí: "Với cách ra đề năm nay, rất khó để các thí sinh có thể đạt điểm tuyệt đối".

Kết quả đã không diễn ra như lời phát biểu ấy. Một cơn "mưa điểm 10" xuất hiện trong kỳ thi, tạo thành một kết quả "chưa từng có trong lịch sử". Số điểm 10 ấy gấp mấy chục lần cả chục năm trước đó cộng lại.

Đáng ngạc nhiên là số điểm 10 ấy đã xuất hiện, thậm chí có nhiều ở các môn mà trước đây, nhiều thí sinh có mơ cũng không bao giờ dám nghĩ đến như: Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân...

Điều đáng nói là trước kết quả ngoài dự đoán ấy, vẫn chính vị lãnh đạo Bộ lại phát biểu rất "lạc quan": Việc có nhiều điểm 10 là chuyện bình thường. Và chính ông ta đã không ngớt lời ca ngợi "phổ điểm năm nay nhìn chung đẹp hơn các năm trước"?!?

Có lẽ, "bi kịch" đã xảy ra từ cái "phổ điểm đẹp" ấy. Để rồi, khi xét tuyển, có những thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học?!? Hoặc, như trường Đại học Y Hà Nội, có đến cả vài trăm thí sinh cùng đạt điểm 29,25. Và đương nhiên, người ta phải xét đến các tiêu chí phụ để chọn ra từ số thí sinh 29,25 ấy những người "may mắn" hơn. Còn lại, những thí sinh khác dù vẫn 29,25 điểm, số điểm "trong mơ" nhưng đành ngậm ngùi... dừng bước.

Đó là phía "đỉnh cao", nơi ngành Y, An ninh, Cảnh sát... đang trở thành nghề "hot" một cách bất thường. Còn ở phía "vực sâu", nơi có ngành Sư phạm, được coi là một nghề "tụt dốc không phanh" vài năm trở lại đây, chẳng hiểu "phổ điểm đẹp" để làm gì khi có những trường cao đẳng của tỉnh như Bắc Ninh, Thái Bình, chỉ cần trung bình một môn thi đạt 3 điểm, là thí sinh đã hiên ngang bước vào học, để rồi 3 năm sau tự tin bước lên bục giảng.

thua bo truong chung ta phai binh tinh den bao gio
"Đến cử nhân còn thấp nghiệp cả vài chục ngàn người, thử hỏi, cái tấm bằng cấp 3 kia có giá trị gì không mà cứ nặng nề thi thố để giành lấy nó?" - nhà báo Chiến Văn chia sẻ.

Một số trường Đại học Sư phạm, vốn trước đây được coi như những "đền đài" thiêng liêng, số điểm xét tuyển cũng chỉ trên mức điểm sàn của Bộ một chút. Có nghĩa là, năm nay, chỉ cần lực học trung bình, trung bình yếu, chưa cần đạt mức "Khá", thí sinh đã có thể đỗ và được đào tạo để trở thành những người thầy, người cô tiếp tục gánh vác sự nghiệp trồng người!?!

Để xảy ra sự phân hóa một cách khủng khiếp như vậy giữa những trường "tốp trên" và những trường được coi là cần sự chuẩn mực cả về kiến thức lẫn đạo đức như Sư phạm, vậy mà Bộ trưởng vẫn hô hào dư luận phải hết sức bình tĩnh. Thử hỏi, làm sao có thể bình tĩnh cho được? Bình tĩnh để rồi vài năm nữa, khi lứa giáo viên 3 điểm một môn ra trường, nhiều người bước lên bục giảng, cũng tự tin giảng bài như ai? Bình tĩnh sao được nếu chẳng may con, cháu tôi phải ngồi dưới để nghe những thầy cô giáo "3 điểm một môn" ấy giảng bài?!?

Cách đây không lâu, chính Bộ trưởng đã tạo ra "cơn địa chấn" khi tuyên bố Bộ đang tính tới chủ trương bỏ biên chế giáo viên theo kiểu "ra vào hợp lý". Vậy mà, khi thấy các trường Sư phạm bị "ghẻ lạnh", đến mức phải đi "vét" những thí sinh học lực trung bình yếu, Bộ trưởng lại phát ngôn: "Giáo dục cần phải học Công an, Quân đội trong việc tuyển sinh, hỗ trợ học phí, lo đầu ra để nâng cao chất lượng?!?".

Những người còn chưa hết lo lắng vì chủ trương "bỏ biên chế", giờ lại thấy Bộ trưởng nói muốn học Công an, Quân đội trong việc "bao cấp" toàn phần, họ biết phải hiểu như thế nào đây? Họ có bình tĩnh được nữa không khi tương lai mình cứ tròng trành như con thuyền trước dòng nước dữ?!?

Đã đến lúc phải bắt tay vào cuộc, không thể bình tĩnh được nữa đâu, thưa Bộ trưởng. Theo tôi, trước hết, cần giải quyết ngay từ cái "gốc" của vấn đề, đó là định hướng nghề nghiệp và tổ chức thi tuyển.

Để làm được điều đó, trước hết, cần mạnh dạn thay đổi tư duy, bỏ kỳ thi tốt nghiệp cấp trung học phổ thông, chỉ tổ chức xét tuyển dựa trên học bạ. Chúng ta cứ bám vào kỳ thi đó làm gì khi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm gần như toàn xấp xỉ 100%?

Chưa kể, cứ quá coi trọng kỳ thi đó, trong khi, tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 đến giờ gần như chẳng còn nhiều giá trị? Đến cử nhân còn thấp nghiệp cả vài chục ngàn người, thử hỏi, cái tấm bằng cấp 3 kia có giá trị gì không mà cứ nặng nề thi thố để giành lấy nó?

Sau khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp, theo tôi, Bộ lên giao cho các trường tự chủ tuyển sinh, trên cơ sở định hướng của Bộ. Các trường họ sẽ tự đánh giá được nhu cầu thực tế của xã hội, để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể. Nếu tuyển sinh bữa bãi, ồ ạt, chính các trường sẽ mất uy tín.

Riêng đối với ngành Sư phạm, Bộ cần có thống kê cụ thể số lượng giáo viên tốt nghiệp ra trường nhưng đang "lang bạt" ở những xưởng may, các khu công nghiệp, thậm chí ngoài cánh đồng. Từ đó, đánh giá chính xác nhu cầu và thực tế đội ngũ giáo viên hiện nay. Khi thấy còn dư thừa quá nhiều giáo viên, Bộ cần tính đến phương án không cho một số trường tiếp tục tuyển sinh.

Các trường được phép tuyển sinh phải có mức điểm đầu vào hợp lý, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, theo tôi, Bộ nên tổ chức kỳ thi quốc gia sát hạch toàn bộ đối với đội ngũ giáo viên hiện nay. Sau khi sát hạch, sẽ cấp "chứng chỉ hành nghề", để bảo đảm, chỉ những giáo viên đạt "chuẩn" mới được lên bục giảng, tránh tình trạng giáo viên có trình độ thì đi làm may vì không xin được việc, trong khi đó, có những giáo viên học lực dưới trung bình nhưng vì "có quan hệ" lại được đứng lớp!

Cùng với việc siết chặt khâu đào tạo, sát hạch, Bộ cần nghiên cứu các phương án tạo điều kiện nâng cao thu nhập, đời sống cho giáo viên các cấp. Giáo viên là nghề "cao quý", nên không thể nhận mức lương "bèo bọt". Họ cần phải sống tốt trước khi khoác lên mình chữ "cao quý" để bước lên bục giảng.

Chỉ cần làm được một số vấn đề cốt yếu trên, tôi nghĩ, sẽ giải quyết được một phần những bất cập của giáo dục đại học hiện nay. Quả thực, nhìn những cử nhân ra trường không xin được việc làm, đua nhau đầu quân vào đội "quân xanh" chạy xe ôm grab bike để mưu sinh, bám trụ đến cùng ở các thành phố lớn, nhiều người không khỏi xót xa. Sao có thể bình tĩnh được nữa, trước những "bi kịch" mang tính xã hội như vậy, thưa lãnh đạo ngành Giáo dục?!?

chọn
Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến khởi công đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến đường ven biển vào cuối năm
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến xây dựng đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn từ QL 56 đến nút giao Vũng Vằn và đoạn từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển vào cuối năm nay.