Cá chết hàng loạt nổi trắng kênh tại Đà Nẵng | |
Quảng Nam: Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân, dân vớt nấu cho lợn ăn |
Cá chết hàng loạt
Các lồng cá tại khu vực sông Bồ, cá chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người dân. Ảnh: N.B |
Những ngày gần đây, người dân nuôi cá trên khu vực sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ phát hiện cá chết hàng loạt. Theo nhiều người dân, tình trạng cá chết xuất hiện từ ngày 30/3 và kéo dài cho đến nay gây thiệt hại rất lớn cho các chủ lồng.
Ông Trần Đức Gắng (58 tuổi, thôn Giáp Tây, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) cho biết: “Chưa bao giờ tình trạng cá chết lại nhiều như thế này. Không chỉ một, hai lồng mà tất cả các lồng ở khu vực sông Bồ này cá đều chết.”
Cũng theo ông Gắng, tất cả các hộ dân bỏ bao nhiêu công sức, tiền bạc, nuôi cả mấy tháng trời, nay cá đã lớn, chuẩn bị đem đi bán thì lại chết.
Ông Nguyễn Kim Huế (60 tuổi, thôn Liễu Cốc Hạ, xã Hương Toàn) cũng cho biết, mấy hôm rất buồn vì cứ nhìn cá lần lượt nổi trắng bụng. “Mấy tháng liền, tâm huyết vào mấy lồng cá. Từ sáng đến tối phải ra đồng cắt cỏ, sửa lồng, vệ sinh lồng… Chúng tôi hy vọng sau khi thu hoạch sẽ kiếm được ít tiền. Thế nhưng, bỗng dưng cá chết.”
Theo ghi nhận, tại lồng cá của ông Huế, cá chết khá nhiều. Mỗi con nặng từ hai đến ba kg. “Cá sắp xuất chuồng mà thế này đây, ai nhìn thấy mà chẳng xót”, ông Huế nói.
Mỗi con cá chết nặng từ hai đến ba kg. Ảnh: N.B |
Trong khi đó, ông Trần Đăng Huệ, dù có kinh nghiệm nuôi lồng cá suốt 14 năm, nhưng chưa bao giờ xảy ra hiện tượng tương tự.
Trước đây, cũng có tình trạng cá chết nhưng chỉ vài con. Nay, mỗi lồng, có từ 20 đến 40 con cá chết. Bình quân, mỗi lồng, người dân bị thiệt hại gần cả triệu đồng một ngày.
Ông Trần Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho biết, vừa qua chính quyền đã ghi nhận hiện tượng cá chết ở địa phương. Theo đó, có 669/683 lồng cá có ghi nhận hiện tượng cá chết với số lượng hơn 20.000 con.
“Trước mắt, chính quyền đã cử người lấy mẫu nước gửi đi phân tích, xét nghiệm. Trong lúc chờ kết quả, chúng tôi sẽ cùng người dân lên phương án xử lý số lượng cá đã chết, tránh gây ô nhiễm môi trường”, ông Hải cho hay.
Cần quy hoạch
Các lồng cá dày đặc, nước không lưu thông, thiếu oxi có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng cá chết. Ảnh: N.B |
Nhiều người dân thừa nhận, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, họ cũng lo lắng, bởi sự gia tăng nhanh lồng nuôi cá tự phát sẽ để lại những vấn đề môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, thị trường tiêu thụ không ổn định.
Ông Nguyễn Tâm Viên (thôn Giáp Đông) chia sẻ: “Cá lồng đã được nuôi khá lâu. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm trở lại đây, số lồng tăng lên một cách chóng mặt.
Mọi người thấy việc nuôi cá có thu nhập ổn định, mỗi lồng thu hoạch một năm hai lần, mỗi lần lãi ròng từ 20 đến 25 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn với người dân ở vùng nông thôn vì thế mọi người cứ tăng cường nuôi. Khi số lượng lồng quá nhiều, đồng nghĩa với việc sẽ gây ô nhiễm dòng nước, thiếu oxy cho cá”.
Hầu hết các lồng cá đều xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Ảnh: N.B |
Mới đây, đại diện chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan liên quan đã có kết luận ban đầu về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.
Theo đó, mẫu phân tích cho thấy lượng oxy trong nước rất thấp, dòng chảy nước không có, lượng thức ăn trong nước dư thừa.
Nguyên nhân được xác định là do môi trường sống của cá không đảm bảo vì dòng nước không lưu thông khiến lượng oxy trong nước giảm mạnh. Mật độ cá nuôi trong lồng quá dày, khoảng cách giữa các lồng nuôi cũng không đảm bảo theo quy chuẩn.
Đoàn kiểm tra đưa ra hướng khắc phục là thu gom xác cá chết nổi trên sông, tăng khoảng cách các lồng cá từ 5 m trở lên và giảm mật độ cá trong các lồng nuôi. Tăng cường sục khí trong các lồng bằng máy sục khí oxy hoặc máy bơm. Treo túi vôi vào góc lồng nuôi cá, liều lượng từ 5 đến 7 kg/ túi.