![]() |
Tiệc Tết nhà đại gia Việt: Ăn bánh phủ vàng, uống rượu vảy vàng |
![]() |
Ăn uống ngày Tết: 3 lưu ý, 4 điều tránh |
![]() |
TS.BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế (BV Đại học Y dược TP HCM) tư vấn những thông tin bổ ích giúp mọi người bảo vệ sức khỏe tốt trong dịp Tết. |
Tết Đinh Dậu 2017 đang diễn ra ấm áp trong mỗi gia đình, bên cạnh niềm vui đoàn viên nhiều người phải đối mặt với vấn đề sức khỏe khi thay đổi chế độ và khẩu phần ăn. Để giúp mọi người thoát khỏi tình trạng trên, TS.BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế (BV Đại học Y dược TP HCM) đã đưa ra những thông tin bổ ích sau:
* Thưa bác sĩ, ngày Tết các món ăn chứa nhiều chất đạm, đường, dầu mỡ thường xuyên được sử dụng, chưa kể việc ăn không theo giờ giấc sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người già và trẻ nhỏ?
Trẻ nhỏ và người lớn tuổi có lượng ăn mỗi bữa không quá nhiều, nên việc nạp nhiều thức ăn dễ dẫn đến đầy bụng, rối loạn tiêu hoá. Năng lượng trong các thức ăn ngọt ngày Tết được xem là năng lượng rỗng, thiếu các chất dinh dưỡng khác, dẫn đến cảm giác no, chán ăn và mất cân đối khẩu phần ăn.
Chất béo ăn ngày Tết thường có nguồn gốc từ động vật, ít có lợi cho sức khoẻ. Những người thừa cân, béo phì, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường… cần hạn chế ăn chất béo từ động vật. Đường từ bánh mứt thường là đường đơn, hấp thụ nhanh chóng vào cơ thể, người đái tháo đường cần tránh xa.
Ngoài ra, người tăng huyết áp, suy tim, suy thận… cần cẩn thận khi dùng các món chứa nhiều muối như dưa muối ăn, các món muối làm sẵn có thể chứa chất làm dòn, chất tẩy… có hại cho sức khoẻ. Ngày Tết nên lưu ý ăn thêm rau xanh - vốn thường bị bỏ sót vào những bữa cơm sum vầy.
![]() |
Bữa cơm ngày Tết nhiều thịt, ít rau. |
* Xin bác sĩ cho biết tác hại của việc ăn nhiều thịt, đồ lạnh đến sức khỏe mỗi người?
Thịt là môi trường tốt cho vi khuẩn tăng trưởng, còn tủ lạnh giúp bảo quản thức ăn mùa Tết. Tuy nhiên, nhiệt độ mát của tủ lạnh chỉ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn chứ không tiêu diệt vi khuẩn. Do đó vẫn có nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi ăn thức ăn được bảo quản lạnh.
* Những người mắc bệnh gút, tim mạch… nên hạn chế thực phẩm gì trong dịp Tết?
Thức ăn ngày Tết thường giàu chất béo, đạm, bột đường. Rượu bia cũng là một nguồn năng lượng bổ sung. Người bệnh tim mạch cần hạn chế các loại thức ăn kể trên.
Người bệnh gout nên tránh thức ăn giàu purin như các loại hải sản, thịt đỏ, phủ tạng động vật… Cũng cần lưu ý đến năng lượng đưa vào để không tăng cân, không làm nặng thêm triệu chứng của bệnh.
![]() |
Uống nhiều nước ngọt có gas trong dịp Tết khiến trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh tổn thương men răng, mất nước... |
* Thưa bác sĩ, trẻ nhỏ thường thích uống nước ngọt có gas trong này Tết, điều này có tốt cho sức khỏe các bé không?
Thành phần của thức uống có gas không có giá trị về dinh dưỡng. Uống nhiều thức uống có gas dẫn đến nguy cơ tăng cân, béo phì và đái tháo đường, yếu xương, loãng xương, tổn thương men răng, tổn thương thận, mất nước. Ngày Tết nên sử dụng nước ép trái cây tự nhiên để bổ sung các vi chất dinh dưỡng, chất xơ hoặc đơn giản chỉ cần nước lọc.
* Mất kiểm soát trong việc ăn uống ngày Tết khiến nhiều người bị ngộ độc, theo bác sĩ, cần làm gì để hạn chế những trường hợp kể trên?
Thức ăn ngày Tết được đun nấu nhiều lần, chưa kể vấn đề vệ sinh khi ăn uống dịp Tết cũng dễ dãi hơn ngày thường. Đây chính là lý do khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao hơn so với bình thường.
Ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến tình trạng mất nước nặng, nhiễm trùng huyết… cần được điều trị tích cực. Một số độc chất tự nhiên của thực phẩm hoặc hoá chất được sử dụng kèm (thuốc trừ sâu, hoá chất bảo quản) cũng có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Để hạn chế ngộ độc thực phẩm cần lưu ý mấy vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
- Ăn chín uống sôi.
- Bảo đảm các điều kiện vệ sinh trong chế biến, bảo quản thực phẩm: sử dụng nước sạch; các dụng cụ, thiết bị, vị trí chế biến phải sạch sẽ; thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ, vị trí phù hợp....
- Không ăn thức ăn ôi thiu, có mùi, vị lạ.
- Khi nghi ngờ ngộ độc thức ăn, nếu người bệnh còn tỉnh táo nên tìm cách loại bỏ thức ăn ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt (phương pháp dễ nhất là gây nôn). Nếu có ói mửa, tiêu chảy cần cho uống nước để bù. Sau đó đưa đến cơ sở y tế để có biện pháp xử trí phù hợp tiếp theo.
Xin cảm ơn bác sĩ!