Thực thi các FTA giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng 350%

Đến nay, Việt Nam đã có 13 FTA có hiệu lực và hiện đang đàm phán 3 FTA. Cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết ngày 23/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Chính phủ về việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Theo thống kê đến nay, Việt Nam đã có 13 FTA có hiệu lực và hiện đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết việc đàm phán, kí kết, gia nhập các FTA của Việt Nam cơ bản đã tuân thủ các qui định của pháp luật về điều ước quốc tế: Pháp lệnh về kí kết và thực hiện các điều ước quốc tế năm 1998; Chương II, III của Luật Kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005; Chương II Luật Điều ước quốc tế 2016.

Thực thi các FTA góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350% - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Việc tham gia các hiệp định FTA đã tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam như thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA... 

Cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.

Năm 2019, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm tốc do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại toàn cầu và cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỉ USD.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 263,45 tỉ USD, tăng hơn 8% so với năm 2018; kim ngạch nhập khẩu 2019 đạt 253,5 tỉ USD, tăng 7% so với năm 2018.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới, đặc biệt là tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 337,23 tỉ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 175,36 tỉ USD, tăng 2,3% và nhập khẩu đạt 161,87 tỉ USD, giảm 2,4%.

"Kết quả đạt được này là minh chứng cho chủ trưởng đúng đắn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia các FTA và chỉ đạo của Chính phủ trong tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực hướng tới đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả", Bộ trưởng nhấn mạnh

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và việc tham gia các Hiệp định FTA nói riêng, đặc biệt là các hiệp định FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức. 

Bộ trưởng đã chỉ ra gồm thách thức về kinh tế; thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động, công đoàn, môi trường…; thách thức về bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về những cơ hội do FTA mang lại còn hạn chế, tạo ra thách thức trong việc triển khai và nắm bắt cơ hội. 

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.