Thuê nhà ở xã hội không cần điều kiện thu nhập

Đối với trường hợp đi thuê nhà ở xã hội chỉ cần là một trong 11 nhóm đối tượng hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 76 của Luật Nhà ở 2003 và không phải đáp ứng điều kiện về thu nhập cũng như về nhà ở.

Đây là thông tin được ghi nhận tại Tọa đàm “Phát triển nhà ở xã hội trong bối cảnh chính sách mới” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 12/9 tại Hà Nội.   

Tọa đàm nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực thi Luật Nhà ở 2023 và Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; đóng góp hữu ích vào quá trình hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội.

Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội và có khoảng 374.000 căn đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số hạn chế; trong đó, phải kể đến việc nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế.

Theo Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền, hiện nay, hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra. Giá nhà ở xã hội cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng. Tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia…

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã làm rõ những điểm mới, phân tích tác động các quy định mới về nhà ở xã hội xã hội. Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100 đã tập trung quy định vào 5  nhóm vấn đề nhằm "gỡ khó" và khuyến khích trong phát triển dự án nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, cùng với các quy định khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội, Luật và Nghị định cũng quy định chi tiết những điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo hướng nới lỏng hơn cho những người có nhu cầu chính đáng tiếp cận với nhà ở xã hội.

Ông Hà Quang Hưng dẫn chứng, hiện nay, đối với hình thức mua và thuê mua nhà ở xã hội chỉ còn phải đáp ứng 2 điều kiện là về nhà ở và thu nhập. Còn điều kiện đối với trường hợp đi thuê nhà ở xã hội thì chỉ cần là một trong 11 nhóm đối tượng hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 76 của Luật Nhà ở 2003 là đã đủ điều kiện để đi thuê loại hình nhà ở này. Ngoài ra, đối tượng thuê nhà ở xã hội không phải đáp ứng điều kiện về thu nhập cũng như quy định về nhà ở.

Như vậy, các điều kiện để người có thu nhập thấp tại các đô thị tiếp cận loại hình nhà ở xã hội từ mua, thuê – mua hay thuê đều đã đơn giản và thuận lợi hơn trước rất nhiều – ông Hưng cho hay.

Hiện nay, trong lúc nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu và thu nhập của nhiều người dân vẫn còn khó khăn trong việc mua hay thuê – mua nhà ở xã hội thì giải pháp nhà ở xã hội cho thuê được nhiều chuyên gia đánh giá là hợp lý, hiệu quả.

Chia sẻ về quan điểm này, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đánh giá: Việc khuyến khích tiếp cận nhà ở xã hội theo hướng cho thuê là điểm mới cần phát huy bởi đối tượng thụ hưởng chính sách không bị phụ thuộc vào các quy định thu nhập hay diện tích…

Điểm mới này sẽ là một hướng để triển khai. Khi phát triển nhà xã hội theo hướng tăng nhà ở cho thuê thì sẽ là một con đường rất căn bản để giải quyết được nhu cầu về loại hình nhà ở này – ông Cường nhấn mạnh.

Để đảm bảo chính sách sớm đi vào cuộc sống, các ý kiến cũng đề nghị cần giám sát chặt chẽ, đảm bảo các điều kiện để thi hành những điều kiện mới này. Đồng thời, cần công khai, minh bạch việc mua bán nhà ở xã hội, nhất là khâu giám sát chặt chẽ để đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng.

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, tháng 5 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chỉ thị 34/CT-TW đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị.

Tại Kỳ họp vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận về Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2024.

Trong đó, với nhà ở xã hội, mục đích giám sát là đánh giá khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Việc giám sát không chỉ xác định các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân mà còn nhằm rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.