e-Commerce là gì? (Ảnh: Acowebs)
Thương mại điện tử trong tiếng Anh là Electronic Commerce (EC), còn được viết là e-Commerce hoặc eCommerce. Đây là một mô hình kinh doanh cho phép các công ty và cá nhân thực hiện việc kinh doanh qua các mạng điện tử, đặc biệt là Internet. (Theo định nghĩa của Investopedia).
Theo định nghĩa ngắn gọn của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), "Thuật ngữ Thương mại điện tử được hiểu là sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán hàng hoặc phân phối hàng hóa và dịch vụ bằng phương tiện điện tử".
Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử của Chính phủ, "Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác".
Về cơ bản, thương mại đóng vai trò luân chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa các doanh nghiệp, nhóm và cá nhân; là phần không thể thiếu đối với bất cứ một hoạt động kinh doanh hay bất cứ doanh nghiệp nào. Nên thực chất, thuật ngữ thương mại điện tử là nói đến các hoạt động thương mại thông qua mạng Internet.
Khái niệm Thương mại điện tử hay bị nhầm lẫn với Kinh doanh điện tử (Electronic Business hoặc eBusiness), thế nhưng đây là hai khái niệm khác nhau.
Về cơ bản, Thương mại điện tử chú trọng đến việc mua bán trực tuyến và được tập trung ra bên ngoài. Bao gồm các qui trình hướng ngoại, tiếp xúc với khách hàng, nhà cung cấp và đối tác bên ngoài như bán hàng, tiếp thị, đặt hàng, giao hàng,...
Thương mại điện tử cho phép các doanh nghiệp kết nối hệ thống dữ liệu bên trong và bên ngoài doanh nghiệp một cách hiệu quả và linh hoạt hơn; hợp tác một cách chặt chẽ hơn với nhà cung cấp và các đối tác; qua đó có thể thỏa mãn được tốt hơn nhu cầu và sự mong đợi của khách hàng.
Còn Kinh doanh điện tử có nghĩa là sử dụng internet và các công nghệ trực tuyến để tạo ra hiệu quả hoạt động. Trong đó bao gồm các qui trình nội bộ như sản xuất, quản lí hàng tồn kho, phát triển sản phẩm, quản lí rủi ro, tài chính, quản lí tri thức và nguồn nhân lực.
Chiến lược kinh doanh điện tử phức tạp hơn, tập trung hơn vào các qui trình nội bộ và nhằm mục đích tiết kiệm chi phí và cải thiện hiệu quả, năng suất. Từ đó làm tăng lợi ích cho khách hàng. (Theo Andrew Bartels, "The difference between e-business and e-commerce")
Căn cứ vào sự phân chia thành 2 nhóm nhà cung cấp/nhà sản xuất và người tiêu dùng/khách hàng, có thể phân loại thương mại điện tử thành các nhóm sau đây:
Business To Business hay B2B (Doanh nghiệp - Doanh nghiệp): Mô tả giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp, chẳng hạn như giữa nhà sản xuất và người bán buôn hay giữa người bán buôn và người bán lẻ.
Business To Consumer hay B2C (Doanh nghiệp - Người tiêu dùng): Mô tả giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp tới người tiêu dùng cuối cùng.
Consumer To Consumer hay C2C (Người tiêu dùng - Người tiêu dùng): Là giao dịch thương mại trực tuyến giữa những người tiêu dùng thông qua một bên thứ ba, chẳng hạn một trang web làm trung gian đấu giá trực tuyến hay trung gian bán hàng.
Consumer To Business hay C2B (Người tiêu dùng - Doanh nghiệp): Là mô hình kinh doanh trong đó người tiêu dùng tạo ra giá trị và bán lại giá trị đó cho doanh nghiệp.
Business To Employee hay B2E (Doanh nghiệp - Nhân viên): Đây là hình thức mà doanh nghiệp sử dụng một mạng lưới nội bộ cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho nhân viên của mình.
Business To Government hay B2G (Doanh nghiệp - Chính phủ): Là một dạng của B2B, tiếp thị dịch vụ cho khu vực công nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các cơ quan Chính phủ ở các cấp khác nhau như Chính phủ, chính quyền địa phương thông qua các kĩ thuật truyền thông như quan hệ công chúng, xây dựng thương hiệu,...
Government To Government hay G2G (Chính phủ - Chính phủ): Là sự tương tác trực tuyến, phi thương mại giữa các cơ quan, ban ngành, tổ chức thuộc Chính phủ với các cơ quan, ban ngành, tổ chức khác thuộc Chính phủ.
Government To Business hay G2B (Chính phủ - Doanh nghiệp): Là sự tương tác trực tuyến, phi thương mại giữa các cơ quan Chính phủ với các doanh nghiệp với mục đích cung cấp thông tin và tư vấn doanh nghiệp.
Government To Citizen hay G2C (Chính phủ - Công dân): Là sự truyền thông giữa chính phủ với khu vực tư nhân hay công dân của mình. (Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)
Thư điện tử: Các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước,.. sử dụng thư điện tử để gửi thư cho nhau một cách "trực tuyến" thông qua mạng, gọi là thư điện tử (electronic mail, viết tắt là e-mail)
Thanh toán điện tử (electronic payment): là việc thanh toán tiền thông qua bức thư điện tử (electronic message) ví dụ, trả lương bằng cách chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản, trả tiền mua hàng bằng thẻ mua hàng, thẻ tín dụng,... Ngày nay, với sự phát triển của TMĐT, thanh toán điện tử đã mở rộng sang các lĩnh vực mới đó là:
Trao đổi dữ liệu điện tử tài chính (Financial Electronic Data Interchange, gọi tắt là FEDI)
Tiền lẻ điện tử (Internet Cash)
Ví điện tử (electronic purse)
Giao dịch điện tử của ngân hàng (digital banking)
Trao đổi dữ liệu điện tử (electronic data interchange, viết tắt là EDI) là việc trao đổi các dữ liệu dưới dạng "có cấu trúc" (stuctured form), từ máy tính điện tử này sang máy tính điẹn tử khác, giữa các công ty hoặc đơn vị đã thỏa thuận buôn bán với nhau.
Truyền dung liệu: Dung liệu (content) là nội dung của hàng hóa số, giá trị của nó không phải trong vật mang tin và nằm trong bản thân nội dung của nó. Hàng hoá số có thể được giao qua mạng.
Mua bán hàng hóa hữu hình: Đến nay, danh sách các hàng hóa bán lẻ qua mạng đã mở rộng, từ hoa tới quần áo, ôtô và xuất hiện một loại hoạt động gọi là "mua hàng điện tử" (electronic shopping), hay "mua hàng trên mạng"; ở một số nước, Internet bắt đầu trở thành công cụ để cạnh tranh bán lẻ hàng hữu hình (Retail of tangible goods)
(Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp & Thương mại (VTIC) - Bộ Công Thương)