Ngày 30/4, Thượng viện Anh (Viện Quý tộc) thông qua một điều khoản sửa đổi quan trọng trong dự luật về việc Anh rời khỏi liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit.
Một người biểu tình phản đối Brexit bên ngoài Quốc hội Anh. Ảnh: Getty Images |
Theo đó, với 335 phiếu ủng hộ, 244 phiếu chống, Thượng viện Anh thông qua điều khoản cho phép Quốc hội nước này có quyền ngăn cản quá trình Anh rời khỏi liên minh châu Âu nếu Chính phủ không đạt được thỏa thuận về vấn đề này với phía EU.
Điều khoản sửa đổi này được các nghị sỹ phản đối Brexit trong Quốc hội Anh đánh giá là sẽ tạo cơ hội để có thể tiến hành các cuộc thương lượng mới, thậm chí là có thể quyết định hủy bỏ Brexit.
Trước đó, Thượng viện Anh, với đa số các thành viên là những người phản đối Brexit, đã bỏ phiếu ủng hộ việc duy trì Hiến chương các Quyền cơ bản của EU trong luật pháp của nước Anh, bên cạnh đó là thông qua một điều khoản sửa đổi trong dự luật của chính phủ về việc Anh rời khỏi liên minh hải quan của EU.
Dự kiến, sau khi Thượng viện Anh thông qua điều khoản sửa đổi này, dự luật về Brexit sẽ tiếp tục được các nghị sỹ trong Hạ viện Anh (Viện Thứ Dân) cho ý kiến và quyết định trong một vài tuần tới.
Trước đó, vào tháng 1, Hạ viện Anh đã thông qua dự luật về Brexit, điều đó cũng đồng nghĩa với việc, Hạ viện Anh sẽ có thể quyết định bác bỏ hoặc sửa đổi một phần điều khoản sửa đổi bổ sung mà Thượng viện mới thông qua này.
Trong khi đó, Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Theresa May cũng cho biết sẽ để cho Quốc hội bỏ phiếu về thỏa thuận rời EU của Anh nhưng cũng khẳng định, nếu như Quốc hội bác bỏ thì lựa chọn duy nhất sẽ là Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.
Việc Thượng viện Anh thông qua điều khoản nói trên được cho sẽ gây thêm khó khăn cho Chính phủ Anh trong đàm phán với EU, đồng thời tiếp tục thể hiện sự chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền về chủ đề Brexit.
Ngoài ra, dư luận Anh cũng đã có sự thay đổi tương đối về vấn đề này. Theo kết quả điều tra mới nhất của Viện nghiên cứu BMG (BMG Research) của Anh, hiện chỉ có 42% người dân Anh ủng hộ Brexit (so với 52% hồi năm 2016), trong khi có tới 49% người dân Anh phản đối việc nước này rời khỏi EU.
Vì sao Anh có ý định gia nhập TPP hậu Brexit?
Báo The Guardian đưa tin, Anh đang thảo luận để tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thúc đẩy xuất ... |