Theo Bloomberg, chúng ta nên nhiệt liệt chúc mừng Microsoft. Sáu tuần sau khi tuyên bố Microsoft đang đàm phán để mua lại TikTok tại Mỹ, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đột ngột đưa ra thông báo không thể chốt thỏa thuận.
Thay vào đó, Oracle dường như là công ty sẽ mua lại các tài sản tại Mỹ của TikTok dù điều khoản của thỏa thuận cuối cùng với ByteDance vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Nhờ bỏ lỡ thỏa thuận mua lại TikTok, CEO Satya Nadella của Microsoft đã tránh được viên đạn lạc. Giờ đây, viên đạn đang hướng thẳng đến Oracle và Chủ tịch Larry Ellison - một người đặc biệt ủng hộ ngành công nghệ Mỹ và là đồng minh thân cận của Tổng thống Trump.
Đề xuất mua lại TikTok với giá 25 tỉ USD của CEO Nadella cuối cùng lại không đáng giá cả núi gia tài như thế. Đồng thời, đề xuất của Microsoft có thể lưu danh lịch sử như một trong các ví dụ tai hại nhất về sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động của doanh nghiệp.
TikTok trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ tính năng chia sẻ video, hát nhép và vũ đạo, tuy nhiên chính phủ Mỹ lại tuyên bố đây là mối đe dọa an ninh quốc gia vì ứng dụng này thu thập hàng loạt dữ liệu của người dân Mỹ.
Nhận ra những lo ngại đó, vào đầu tháng 8, Microsoft thông báo họ đang đàm phán để mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ và sẽ thông báo kết quả vào ngày 15/9. Sau đó, Microsoft kéo thêm Walmart vào thỏa thuận.
Vài ngày sau, ông Trump kí một lệnh hành pháp khác cấm người dân Mỹ không hợp tác kinh doan cùng ByteDance. Điều đó buộc TikTok phải bán mình, hạn chót là trong tuần giữa tháng 9 này.
Tiếp theo, Bắc Kinh "bắt bài" ông Trump và tuyên bố rằng bất kì thỏa thuận bán công nghệ trí tuệ nhân tạo nào của Trung Quốc cũng cần phải có sự chấp thuận của chính phủ. Động thái mới của Bắc Kinh gây ảnh hưởng đến quá trình đàm phán, vì dù dữ liệu của TikTok là thứ mà Washington lo sợ thì công nghệ và thuật toán của ứng dụng này mới thật sự có giá trị.
Theo Bloomberg, Bắc Kinh thà để cho TikTok đóng cửa hoàn toàn tại Mỹ còn hơn là bị buộc phải bán lại cho một công ty Mỹ.
Việc Microsoft tỏ vẻ quan tâm tới hoạt động của TikTok tại Mỹ khiến nhiều người khó hiểu vì gã khổng lồ này đã rời xa lĩnh vực công nghệ tiêu dùng trong thập kỉ qua. Trong khi đó, lí do tại sao TikTok bị buộc phải bán mình đã trở nên rõ ràng. TikTok và ByteDance đang bị kẹt lại giữa hai chính phủ mà bản chất chung không có nhiều điểm khác biệt.
Bloomberg lập luận, TikTok - con tốt trong cuộc Chiến tranh Lạnh về công nghệ Mỹ - Trung không sản xuất vũ khí hay chất bán dẫn, thay vào đó việc TikTok chỉ tung ra các video ngắn dành cho thanh thiếu niên lại khiến tình hình càng trở nên ngớ ngẩn.
Chỉ vài tuần trước, khá nhiều tên tuổi muốn thâu tóm TikTok - ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng của Trung Quốc đang khiến Instagram trở thành một mạng xã hội trông có vẻ yếu thế và già nua hơn.
Oracle quả quyết họ nên cạnh tranh mua TikTok, có lẽ là vì họ cho rằng công nghệ và thuật toán mà TikTok phát triển có giá trị hơn so với kho video dành cho thanh thiếu niên của ứng dụng này.
Sau cùng, TikTok có thể về tay Oracle - một công ty không tham gia lĩnh vực công nghệ tiêu dùng và nhiều khả năng là không có các công nghệ cơ bản để giúp TikTok trở thành một hiện tượng xã hội.
Bất chấp sự ủng hộ của Chủ tịch Larry Ellison dành cho ông Trump, không có gì đảm bảo thỏa thuận tách TikTok ra khỏi ByteDance của Oracle sẽ được Nhà Trắng thông qua. Ngoài ra, không ai rõ liệu Bắc Kinh có chấp nhận thỏa thuận này hay không.
Cuối cùng Bloomberg kết luận, thế giới đang bước vào kỉ nguyên mới về đàm phán thỏa thuận trong cuộc Chiến tranh Lạnh ở lĩnh vực công nghệ: phi lí, rủi ro và chỉ mới bắt đầu. Các công ty giành chiến thắng trong kỉ nguyên của những giao dịch thâu tóm xuyên biên giới này sẽ là những công ty sẵn sàng quay lưng bỏ đi khi mọi thứ sụp đổ.