Trong phiên giao dịch 23/7, cổ phiếu VIC của Vingroup tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp với mức tăng thêm 3.300 đồng lên 119.800 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá cao kỉ lục của cổ phiếu này kể từ khi lên sàn hồi tháng 9/2007.
Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu VIC đã tăng hơn 20%.
Với gần 3,35 tỉ cổ phiếu, vốn hóa của Vingroup lần đầu tiên vượt ngưỡng 400.000 tỉ đồng (tương đương 17,2 tỉ USD), chiếm khoảng hơn 11% vốn hóa trên sàn HOSE. Trong khi đó vốn hóa của Vinhomes (VHM), một công ty con của Vingroup cũng đạt gần 290.000 tỉ đồng (khoảng 12,4 tỉ USD).
Vincom Retail (VRE) của ông Vượng cũng đạt mức vốn hóa gần 87.000 tỉ đồng (3,7 tỉ USD) sau khi cổ phiếu này tăng khoảng 21% kể từ đầu năm.
Tổng cộng vốn hóa của bộ 3 cổ phiếu VIC, VHM và VRE của nhà ông Vượng đạt 777.000 tỉ đồng (tương đương 33,3 tỉ USD), chiếm tỉ trọng hơn 23% vốn hóa hóa sàn HOSE, cao hơn nhóm ngân hàng.
Tính riêng trong nhóm VN30, họ Vingroup cũng sức ảnh hưởng lớn nhất, với hơn 31% tỉ trọng, áp đảo nhóm ngân hàng cho dù nhóm này vừa được bổ sung thêm 3 mã cổ phiếu vừa niêm yết. Nhóm ngân hàng gần đây suy yếu là do một số cổ phiếu như Techcombank, VPBank, Sacombank, HDBank giảm giá khá mạnh kể từ đầu năm.
Theo Forbes, tính tới 23/7 ông Vượng có 7,7 tỉ USD, xếp 214 trên thế giới. Nhưng tính trên HOSE, ông Vượng đang sở hữu khối tài sản khoảng 10 tỉ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu 1,865 tỉ cổ phiếu VIC, có giá trị hơn 223.000 tỉ đồng (tương đương gần 10 tỉ USD), xếp thứ 214 trên thế giới và tiếp tục giàu hơn thái tử của đế chế Samsung của Hàn Quốc.
VIC tăng mạnh trong trong bối cảnh ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục ghi dấu ấn với những tham vọng lớn chưa từng có. Sau bất động sản, điện thoại, ô tô, tỉ phú số 1 Việt Nam tiếp tục tấn công vào lĩnh vực hàng không đầy tiềm năng với bước đi đầu tiên là kế hoạch mỗi năm đào tạo 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế cung ứng ra thị trường. Việc tuyển sinh sẽ được tiến hành ngay trong tháng 8/2019.
CTCP Vinpearl Air cũng vừa được thành lập hồi tháng 4/2019 (vốn 1.300 tỉ đồng) kinh doanh vận tải hành khách hàng không, có cùng tên và có địa chỉ trùng với đại bản doanh của Vingroup: tại Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, Long Biên, TP. Hà Nội.
Thị trường hàng không được xem là hấp dẫn với dư địa phát triển vẫn còn. Theo Tuổi Trẻ, Hãng hàng không Vietstar Airlines (liên doanh giữa tư nhân và quân đội) vừa được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng nhận khai thác máy bay và trở thành hãng hàng không nội địa thứ 6, sau Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways.
CTCP Hàng không Vinpearl Air cùng với Vietravel Airlines và CTCP Hàng không Thiên Minh đang nằm trong danh sách chờ. Trước đó, một số hãng hàng không từng hoạt động tại Việt Nam nhưng đã ngừng hoạt động gồm: Indochina Airlines và Air Mekong.
Ông Phạm Nhật Vượng.
Hiện Vingroup của ông Vượng hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục (Vinschool), bất động sản (Vinhomes), nghỉ dưỡng (Vinpearl), bệnh viện (Vinmec), bán lẻ và thương mại điện tử (VinCommerce, Vinmart),... cho đến gần đây là ô tô.
Những tháng đầu năm 2019, ông Phạm Nhật Vượng đã ghi dấu nhiều kỉ lục với việc khai trương nhà máy Vinfast tại Hải Phòng, đưa những chiếc ô tô đầu tiên ra thị trường...
Hồi cuối tháng 5/2019, Vingroup của ông Vượng hút được dòng vốn tỉ USD từ tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc SK Group. Tuy nhiên, Vingroup cũng vừa chọn ngừng tham gia quá trình xếp hạng tín nhiệm của Fitch, một trong 3 tổ chức tài chính uy tín nhất thế giới về đánh giá xếp hạng tín nhiệm.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch khởi sắc nhờ sự bứt phá của nhiều cổ phiếu blue-chips trong đó có nhóm Vin, nhóm bán lẻ, thực phẩm và một số cổ phiếu dầu khí.
Các mã giao dịch khởi sắc nổi bật bao gồm: Vingroup, Masan, Thế Giới Di Động, FPT, GAS, Hòa Phát,...
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/7, VN-Index tăng 7,42 điểm lên 989,46 điểm; HNX-Index giảm 0,05 điểm xuống 106,71 điểm và Upcom-Index tăng 0,45 điểm lên 58,46 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 5,4 ngàn tỉ đồng.