Tỉ phú Trump vực dậy từ hố sâu thất bại nhờ làm 'sao' truyền hình

Chương trình truyền hình "The Apprentice" đã giải cứu tỉ phú Donald J. Trump, mang lại cho ông những nguồn tiền mặt mới và một hình ảnh đẹp để ông đắc cử.

Ngày 27/9, New York Times (NY Times) đưa tin Tổng thống Trump không đóng thuế thu nhập liên bang trong 10/15 năm trước khi trở thành ông chủ Nhà Trắng. Sau đó, ông Trump chỉ đóng 750 USD thuế cho hai năm 2016 và 2017.

Ngoài ra, hồ sơ thuế mà NY Times thu thập còn cho thấy chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice" (Người tập sự) đã cứu ông Trump khỏi cơn nguy khốn, mang lại cho ông nguồn tài chính mới và nhiệm kì tổng thống đầu tiên trong sự nghiệp.

Phân tích hồ sơ thuế của ông Trump, NY Times đã có thể xác định số tiền mà ông Trump kiếm từ chương trình.

Trong khi tờ khai thuế cho thấy ông Trump kiếm khoảng 197 triệu USD trực tiếp từ "The Apprentice" trong hơn 16 năm (gần đúng với tuyên bố của ông), NY Times cũng phát hiện Tổng thống Mỹ còn kiếm thêm khoảng 230 triệu USD khác nhờ danh tiếng từ chương trình.

Cơ hội thứ hai

Li hôn lần thứ hai và thất bại với các dự án sòng bạc tại Atlantic City, ông Trump đối mặt với khủng hoảng tài chính lớn và có nguy cơ phải tuyên bố phá sản với một số cơ ngơi khác.

Trên tờ khai thuế, ông Trump báo lỗ ròng hàng năm trong suốt thập niên 1990, một số khoản lỗ kéo dài từ năm này sang năm khác và có thể tăng lên 352,8 triệu USD vào cuối năm 2002.

Đúng lúc ấy, ông Trump lại nhận cú hích từ một nguồn không ngờ đến, một sự kiện có thể định hình tương lai của ông và thậm chí của chính nước Mỹ.

Mark Burnett - nhà sản xuất truyền hình nổi tiếng đứng sau series ăn khách "Survivor" (Người sống sót), đã đề nghị cùng ông Trump làm một chương trình truyền hình thực tế khác trong phòng họp.

Theo ý tưởng của ông Burnett, một nhóm doanh nhân sẽ đến New York và cạnh tranh để nhận cái gật đầu đồng ý của tỉ phú Trump, sau đó tham gia vào một dự án dành cho người chiến thắng của ông Trump.

"The Apprentice" ra đời, ông Trump trở thành người cầm trịch. Ông xuất hiện trong dáng vẻ của một vị tỉ phú giàu có, nhiều kinh nghiệm và liên tục la hét "Cậu bị đuổi" cho đến khi còn lại một thí sinh.

Chương trình truyền hình thực tế vực dậy tỉ phú Trump từ hố sâu thất bại - Ảnh 1.

Hình ảnh tỉ phú Trump nghiêm nghị trong vai trò người cầm trịch chương trình "The Apprentice". (Ảnh: Shutterstock)

Tháng 1/2004, khi gặp gỡ nhóm thí sinh đầu tiên của chương trình, ông Trump tự khoe khoang bản thân là một tỉ phú dày dạn đã vượt qua nhiều khó khăn tài chính.

"Tôi sử dụng khối óc, kĩ năng đàm phán của chính mình và luôn làm hết sức. Bây giờ, đế chế của tôi lớn mạnh hơn bao giờ hết", ông Trump nói.

Khi đó, một số nhân viên của ông Burnett thắc mắc làm thế nào một doanh nhân giàu có được cho là đang điều hành một đế chế bất động sản lại có thể dành thời gian cho "The Apprentice". Họ sớm phát hiện bí mật của ông Trump.

Chia sẻ với NY Times hồi năm 2018, Bill Pruitt - một trong các nhà sản xuất, cho hay: "Chúng tôi tới các văn phòng của ông Trump và thấy đồ đạc khá cũ kĩ. Công việc của chúng tôi là trang hoàng lại mọi thứ".

Ông Burnett không lãng phí thời gian mà nhanh chóng xây dựng ảo ảnh về một tỉ phú Trump thành công và trí tuệ. Tháng 10/2003, ông Burnett nói The Times rằng chương trình mới là cơ hội để "Donald Trump cho đi" bằng cách chỉ cho công chúng tinh thần quật cường đã giúp ông tạo ra việc làm và sinh kế cho người lao động Mỹ như thế nào.

Kiếm bộn tiền từ hình ảnh tỉ phú

Bản thân ông Trump không nợ thuế thu nhập liên bang trong nhiều năm là nhờ vào các khoản lỗ lớn thường xuyên "ngốn sạch" bất kì khoản thu nhập nào mà ông có được.

Tuy nhiên, độ thành công của "The Apprentice" và doanh thu quảng cáo khủng từ đó đã nhanh chóng đẩy ông Trump vào hoàn cảnh khác thường, khi mà tổng thu nhập sau điều chỉnh của ông là một con số dương.

Sau khi thu về 11,9 triệu USD từ năm đầu tiên của chương trình truyền hình thực tế này, ông Trump thực sự trúng độc đắc vào năm 2005 với 47,8 triệu USD khác. Kiếm được nhiều nên trong ba năm, ông Trump phải đóng tổng cộng 70,1 triệu USD thuế thu nhập.

Tuy nhiên, về sau ông Trump đã được hoàn lại 72,9 triệu USD tiền thuế và cũng từ đó tranh chấp với Sở Thuế vụ (IRS) nhiều năm qua.

Khi thai nghén ý tưởng "The Apprentice" năm 2002, chưa bao giờ ông Trump chắc chắn chương trình sẽ thành công. Dù vậy, ông tin là chương trình này sẽ có lợi cho thương hiệu của gia đình Trump.

Cuối cùng, "The Apprentice" thành công vượt sức tưởng tượng, hợp đồng quảng cáo và diễn thuyết tại các sự kiện liên tục đến với tỉ phú Trump.

Trong hai năm trước khi ra mắt "The Apprentice", thu nhập phụ của ông Trump chỉ loanh quanh 500.000 USD nhờ quảng cáo burger Big N' Tasty và một ít tiền bản quyền sách.

Hai năm sau, hồ sơ thuế cho thấy ông Trump thu về 5,2 triệu USD từ 11 chiến dịch quảng cáo và diễn thuyết khác nhau. Tất cả đều nhờ độ nổi tiếng tăng vọt với tư cách là một doanh nhân truyền hình thực tế.

Tên tuổi của ông Trump từ đó gắn với nhiều thương hiệu, từ bít tết, rượu vodka đến trò chơi boardgame và nước hoa. Tỉ phú Trump còn kí thỏa thuận cấp phép hình ảnh với hãng nệm Serta và nhận về hơn 15 triệu USD. Ông còn nhận thêm 15 triệu USD khác để đại diện cà vạt, áo sơ mi và đồ lót của các hãng may lớn như Phillips-Van Heusen.

Thậm chí, Warner Music còn trả ông Trump 100.000 USD để đưa các câu nói nổi tiếng của ông vào bộ sưu tập nhạc chuông, ví dụ như câu "Bạn nhận được một cuộc điện thoại, tin tôi đi, nó quan trọng lắm. Tôi không có thời gian bàn chuyện vặt, bạn cũng thế".

Đang tìm cách giới thiệu sản phẩm bột giặt nhãn hiệu All mới, Unilever còn xây dựng một chiến dịch quảng cáo đa nền tảng về ông Trump. Ngoài 850.000 USD thù lao trực tiếp từ Unilever, ông Trump còn kiếm thêm 250.000 USD từ một công ty PR mà Unilever thuê để chạy chiến dịch.

Chương trình truyền hình thực tế vực dậy tỉ phú Trump từ hố sâu thất bại - Ảnh 2.

Ông Trump kiếm tổng cộng hơn 1 triệu USD từ chiến dịch quảng cáo thương hiệu bột giặt All của Unilever. (Ảnh: Alamy)

"Vắt trọn" từng đồng từ các thỏa thuận đáng ngờ

Sốt sắng muốn vắt thêm tiền từ con ngỗng vàng của nhà sản xuất Burnett, ông Trump đã kí vào một loạt sản phẩm và dịch vụ đáng ngờ. Năm đầu tiên của "The Apprentice" vừa kết thúc thì ông Trump bỏ túi thêm 300.000 USD để diễn thuyết tại một sự kiện ở thành phố Dayton, bang Ohio mà người tham dự bỏ 2.995 USD để học bí mật làm giàu từ ông.

Qua các cuộc diễn thuyết khác về bất động sản do Learning Annex tài trợ, ông Trump lại nhận về thêm 7,3 triệu USD. Cuốn sách "Think Big and Kick Ass: In Business and Life" đồng tác giả cùng nhà sáng lập của Annex mang về cho ông Trump 1,4 triệu USD tiền bản quyền.

Chương trình truyền hình thực tế vực dậy tỉ phú Trump từ hố sâu thất bại - Ảnh 3.

Trở thành người diễn thuyết cho các sự kiện do Learning Annex tài trợ, ông Trump kiếm thêm 7,3 triệu USD khác. (Ảnh: NY Times)

Nhiều năm trôi qua, và độ thành công của "The Apprentice" đã khiến ông Trump trở thành một cái tên nổi tiếng vượt xa New York. Khoảng cách giữa sự thật và cường điệu ngày càng tăng.

Ông Trump còn thu về 8,8 triệu USD trong vòng 10 năm từ một công ty đa cấp có tên ACN. Họ quảng cáo sản phẩm với bảo chứng tên tuổi của ông Trump và nói với khách hàng rằng họ có thể kiếm tiền tại nhà bằng cách bán điện thoại video, truyền hình vệ tinh và một số dịch vụ khác.

Qua các cuộc điều tra ở nhiều nước, dường như ACN chủ trương kiếm lợi từ các nhà đầu tư cả tin, khiến họ chi nhiều hơn so với thu nhập từ việc bán sản phẩm của công ty.

Trong một thỏa thuận kí năm 2009 - thời điểm Mỹ đang chìm trong suy thoái kinh tế, ông Trump thu về thêm 2,6 triệu USD từ một công ty đa cấp chuyên kinh doanh vitamin mà về sau đổi tên thành Trump Network.

Chương trình truyền hình thực tế vực dậy tỉ phú Trump từ hố sâu thất bại - Ảnh 4.

Ông Trump hợp tác kinh doanh mô hình căn hộ khách sạn (condo-hotel) với nhà sáng lập Tevfik Arif (giữa) của Bayrock Group và Felix Sater - cánh tay phải của ông Arif. Hai nhân sự cấp cao của Bayrock Group đều có quá khứ bí ẩn và đáng ngờ. (Ảnh: WireImage)

Khi triển vọng kinh doanh các bất động sản thuộc đế chế Trump đột nhiên giảm, Trump còn tìm cách cấp phép tên ông cho dự án của các nhà phát triển bất động sản khác và thu về các khoản phí lớn trong khi nhà đầu tư "tiền mất tật mang".

Ý tưởng cấp phép sử dụng tên thành công sau màn bắt tay giữa tỉ phú Donald Trump và Bayrock Group - một công ty bất động sản bí ẩn có nhà sáng lập là một cựu quan chức thời Liên Xô đến từ Kazakhstan.

Nhờ đó, ông Trump thu về hàng triệu USD nhờ gắn tên tuổi của bản thân với các dự án bất động sản mà ông không cần đứng ra xây dựng hay tài trợ vốn và cũng không chịu sự ràng buộc về mặt pháp lí nếu dự án không may đổ bể.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.