|
Cận Tết vừa qua, lãi suất chào VND bình quân trên liên ngân hàng ở mức cao, như kỳ hạn qua đêm lên tới 5,28%/năm. Nhưng trong vòng một tuần trở lại đây, lãi suất này đã giảm sâu, cập nhật đến ngày 7/2 chỉ còn 3,37%/năm - Ảnh: Quang Phúc
Báo cáo cập nhật các ngày giao dịch từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Maritime Bank cho thấy, khác biệt của năm 2017 trong hoạt động điều tiết nguồn tiền của Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện rõ.
Năm 2016, phải sau 6 tháng tạm ngừng, Ngân hàng Nhà nước mới trở lại sử dụng công cụ tín phiếu để thấm hút bớt lượng VND dư thừa trong hệ thống, từ ngày 30/5/2016. Nhưng năm nay, ngày từ đầu, hoạt động phát hành tín phiếu đã sớm ghi nhận.
Cụ thể, sau khi thị trường trải qua mùa cao điểm chi trả cận Tết Nguyên đán, trong tuần đầu tiên mở cửa trở lại, hoạt động hút ròng vốn của nhà điều hành đã thể hiện, trong đó có phát hành tín phiếu dù những phiên đầu chưa có lượng trúng thầu.
Nhà điều hành chính sách tiền tệ đã sớm chủ động sử dụng công cụ trên, cùng hoạt động hút ròng mạnh qua kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO), nhằm điều tiết dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng mạnh sau Tết. Đây cũng là diễn biến thường thấy sau các mùa cao điểm những năm trước.
Cập nhật đến ngày giao dịch gần nhất 7/2, Ngân hàng Nhà nước đã hút bớt được 13.400 tỷ đồng qua tín phiếu, cùng 36.111 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố, tổng lượng hút ròng về lên tới 49.511 tỷ đồng. Và sau khi liên tục hút ròng về, tổng lượng vốn hỗ trợ cho hệ thống qua kênh cầm cố đã giảm về còn 175.714 tỷ đồng, tính đến ngày 7/2.
Trước đó, nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống trước mùa cao điểm chi trả cận Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm ròng trên kênh cầm cố với khối lượng rất lớn, tổng lượng lưu hành đến ngày 2/2 vẫn còn tới 257.941 tỷ đồng.
Qua mùa cao điểm chi trả, dòng tiền quay lại hệ thống ngân hàng. Cùng với diễn biến Ngân hàng Nhà nước hút ròng nói trên, nhu cầu vay mượn và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm nhanh và xuống rất sâu.
Cận Tết vừa qua, lãi suất chào VND bình quân trên liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao, như ở kỳ hạn qua đêm lên tới 5,28%/năm. Nhưng trong vòng một tuần trở lại đây, lãi suất này đã giảm sâu, cập nhật đến ngày 7/2 chỉ còn 3,37%/năm kỳ hạn qua đêm, 3,63%/năm kỳ hạn 1 tuần, 3,83%/năm kỳ hạn 2 tuần…
Ở một kênh phản ánh khác, trong mùa cao điểm chi trả vừa qua, hệ thống ngân hàng tập trung vốn giải ngân cho doanh nghiệp và dân cư, hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ chỉ ở mức độ thăm dò vì hạn chế nguồn tạm thời, tỷ lệ phát hành thành công rất thấp.
Nhưng, khớp với diễn biến dòng tiền quay lại hệ thống ngân hàng như trên, hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ bắt đầu sôi động hơn. Như trong ngày 7/2, theo tập hợp của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Maritime Bank, nhu cầu đầu tư ở kênh này đã trở lại, trong đó một lực lượng chính vẫn là các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, trong ngày 7/2, Ngân hàng Phát triển đã huy động thành công toàn bộ 4.000 tỷ đồng gọi thầu ở ba kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5,45%, 6,7% và 7,65% - đồng loạt giảm từ 0,04 - 0,1 điểm phần trăm. Khối lượng đặt thầu cao tới gần gấp 3 lần so với khối lượng cần huy động.
Năm 2017, mục tiêu chính sách tài khóa đã đặt ra là huy động được 250.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, 34.395 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, cùng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương.
Để hoàn thành mục tiêu huy động đó, chính sách tài khóa cần sự phối hợp và điều tiết của chính sách tiền tệ, cụ thể như hoạt động điều tiết nguồn của Ngân hàng Nhà nước - sự hỗ trợ từng thể hiện rõ trong năm 2016.