'Tiền mất tật mang' vì đăng ký học lái xe ở văn phòng 'cò' môi giới

Do không tìm hiểu kỹ nên nhiều học viên bị kẻ xấu lừa đảo mất từ 3 đến 7 triệu đồng do đăng ký tại những cơ sở môi giới, giả danh trên mạng.

Thời gian gần đây nhu cầu đăng ký học và sát hạch lái xe trên địa bàn TPHCM tăng đột biến. Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ nên nhiều học viên bị kẻ xấu lừa đảo mất từ 3 đến 7 triệu đồng do đăng ký tại những cơ sở môi giới, giả danh trên mạng. Thế là nạn nhân lại phải mất thời gian chờ đợi hơn 1 năm để được học lớp tiếp theo...

Qua tra cứu trên internet, chị L.N.Q, ở quận Bình Thạnh, TPHCM đăng ký học lái xe qua một văn phòng ghi danh tại Quận 4. Theo quảng cáo thì bằng lái ô tô hạng B2 trọn gói chỉ 3,5 triệu đồng, tuy nhiên, khi đóng xong phí này học được một buổi thì mới ngã ngửa vì đây chỉ là phí ban đầu.

tien mat tat mang vi dang ky hoc lai xe o van phong co moi gioi
Nhiều cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe quảng cáo trên mạng, nhưng trong số này có nhiều cơ sở chưa hề được cấp phép hoạt động.

Liên hệ với nhân viên theo số điện thoại được quảng cáo, chị Q. được biết giá 3,5 triệu đồng chỉ áp dụng đối với những người đã biết lái xe ô tô và chỉ cần học thêm 2 giờ thực hành để ôn luyện trước khi thi; còn đối với người mới học thì giá 5,3 triệu đồng.

Số tiền đó chỉ là phí đào tạo, ngoài ra còn phải đóng thêm gần 2 triệu đồng lệ phí thi và nhiều loại phí tập xe và thuê xe lên đến hơn 10 triệu đồng chứ không như thông tin quảng cáo ban đầu.

Nhiều nạn nhân bức xúc thì nhân viên văn phòng này cho rằng họ chỉ có trách nhiệm bán lại sản phẩm từ các trung tâm đào tạo, không chịu trách nhiệm về rủi ro của học viên trong quá trình tập lái.

Chị L.N.Q nói: "Họ cho người đến tận nhà tôi để thu tiền luôn. Thu tiền xong mọi việc khác hẳn, thu tiền xong muốn gì thì phải chạy theo ý sắp xếp của bên đó. Mọi chi phí phát sinh thêm rất nhiều, học không được học đàng hoàng. Thật sự mất hết niềm tin, đây là cò thôi chứ công ty cái gì. Đến tìm gặp giám đốc công ty mà nhân viên không biết ông giám đốc là ai luôn. Không biết công ty này là thật hay công ty ma...".

Tương tự như trường hợp trên, anh Lý Hiếu Trung đóng tiền học lái xe qua tài khoản cho một người tự xưng là Hùng, giám đốc cơ sở đào tạo lái xe được quảng cáo trên mạng. Nhưng từ tháng 4/2016 đến nay, tiền thì đã đóng nhưng cơ sở nhận đào tạo chỉ bố trí học được một buổi.

Ngay buổi học đầu tiên đã bị giáo viên đào tạo gạ gẫm đóng thêm nhiều chi phí để chuyển sang học nơi khác với nhiều lý do trên trời. Không đồng ý với những khoản phát sinh, nhiều học viên bị bỏ rơi hoặc yêu cầu tự đi học thực hành nơi khác rồi khi nào thi quay lại sẽ được bố trí.

Suốt 2 năm qua, tiền thì mất nhưng anh Trung không được học hành đến nơi đến chốn và đi lại nhiều lần, vướng thêm nhiều phiền toái.

Anh Trung phân trần: "Chỗ cơ sở mình đóng tiền học hoàn toàn không có nơi để thực hành. Họ dạy nhưng cứ gạ gẫm nhiều chiêu trò lắm, cứ kêu học viên đóng thêm tiền để chuyển sang trung tâm lớn.

Mình hỏi chứ đóng tiền rồi không được học giờ phải thêm tiền nữa để sang trung tâm học là sao thầy thì giáo viên cam kết qua kia học tốt hơn. Nhiều học viên lắm rồi, cứ gạ để đóng thêm tiền cho mấy trung tâm."

Trên đây chỉ là một vài trường hợp điển hình vướng phải tình huống này. Chỉ cần gõ vào Google là xuất hiện hàng trăm văn phòng ghi danh học và sát hạch lái xe. Rất nhiều cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe quảng cáo rầm rộ trên mạng, nhưng thực ra trong số này có nhiều cơ sở chưa hề được cấp phép hoạt động.

Nhiều cơ sở cố tình "lập lờ" gây hiểu nhầm cho học viên nhằm thu lợi bất chính, một số văn phòng ghi danh thu tiền có vai trò môi giới còn lấy cả hình ảnh, thương hiệu của nhiều trung tâm đào tạo lái xe của Sở Giao thông vận tải thành phố để làm hình ảnh minh hoạ quảng cáo nhằm lôi kéo khiến học viên sập bẫy. Chỉ cần học viên không tìm hiểu kỹ thì rất dễ bị lừa hoặc lâm vào cảnh tiền mất nhưng đào tạo không bài bản.

Theo ngành chức năng, trên địa bàn TPHCM chỉ có 71 cơ sở, trung tâm, trường được cấp phép đào tạo lái xe và việc sát hạch do Sở Giao thông vận tải thành phố tổ chức, giám sát. Tuy nhiên, thực tế trên mạng và đường phố lại xuất hiện hàng trăm địa chỉ quảng cáo tràn lan. Hầu hết những địa chỉ này chỉ là cò môi giới.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ của học viên những nơi này thu tiền ăn chênh lệch rồi tiếp tục gửi vào các cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe khác nhằm hợp thức hóa hồ sơ. Thời gian qua, tình trạng xảy ra rất phổ biến...

Ông Trần Ái Việt, Giám đốc Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe Thành Công, Sở Giao thông vận tải TPHCM nói: "Khi khách hàng là học viên đến đăng ký thì phải hỏi cho thật rõ điều kiện học kể cả thời gian được sát hạch, có thời gian chi tiết thì còn phụ thuộc Sở Giao thông vận tải nhưng khoảng tháng nào thì vẫn có thể cung cấp cho học viên.

Học viên nên kiểm tra những điều này, còn những nơi nào hứa xong mà không làm đúng quy định là mạo danh, rất nguy hiểm. Thực tế ở ngoài rất nhiều trường hợp như vậy. Quảng cáo nhiều nhưng không thực hiện và có nhiều người dễ bị lừa gạt khi không hỏi kỹ".

Trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này, ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý và sát hạch cấp giấy phép lái xe, Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết sẽ sớm chấn chỉnh tình trạng loạn văn phòng môi giới, đào tạo, sát hạch lái xe không phép.

Tình trạng học viên mất tiền khi đăng ký ở những địa chỉ đào tạo trên mạng không phải hiếm do đó, trước khi đăng ký học viên nên tra cứu trang web: sgtvt.hochiminhcity.gov.vn của Sở Giao thông vận tải TPHCM để tìm cho mình những trung tâm đào tạo uy tín được cấp phép./..

tien mat tat mang vi dang ky hoc lai xe o van phong co moi gioi Dự báo thời tiết hôm nay 13/11: Bão số 13 suy yếu, Hà Nội trời nắng đẹp

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cơn bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trên đất ...

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.