Câu chuyện cô giáo Nguyễn Kim Tuyến - giáo viên Tiếng Anh tại Trung tâm MST English có những lời lẽ xúc phạm, ví học viên là con lợn khiến cho dư luận bức xúc nhiều giờ qua. Ngày 6/5, đại diện Phòng Giáo dục Thường xuyên - chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Trung tâm Tiếng Anh MST English là cơ sở hoạt động chui, chưa xin cấp phép hoạt động của Sở.
Vậy các học viên đang theo học có được hoàn trả lại tiền học phí hay không? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Th.sĩ, Luật sư (LS) Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Sự việc cô giáo Nguyễn Kim Tuyến - giáo viên Tiếng Anh tại trung tâm MST English ví học viên là con lợn khiến nhiều người 'choáng'. Ảnh cắt từ clip. |
LS Cường phân tích: "Thứ nhất, theo quy định pháp luật, việc thành lập, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của các trung tâm ngoại ngữ phải được Giám đốc Sở GD&ĐT cấp phép hoặc Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng cấp phép đối với Trung tâm ngoại ngữ thuộc đơn vị mình quản lý theo quy định tại Thông tư 03/2011/ BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP.
Ngoài ra, để thành lập trung tâm ngoại ngữ phải đảm bảo các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đề án thành lập trung tâm xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm. Điều kiện hoạt động của trung tâm phải đảm bảo về cơ sở vật chất, điều kiện năng lực về người điều hành trung tâm, người giảng dạy… theo quy định.
Trong trường hợp, có căn xác định các trung tâm ngoại ngữ hoạt động chui, không được cấp phép theo quy định pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP. Theo đó, các trung tâm hoạt động chui, không được cấp phép bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, biện pháp khắc phục là buộc giải thể trung tâm ngoại ngữ và buộc phải trả lại học phí cho các học viên đã nộp.
Thứ hai, đối với tình trạng các trung tâm hoạt động chui một cách tràn lan hiện nay cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, thanh tra kiểm tra thường xuyên để nắm bắt được hoạt động của các trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất, chức năng dạy và học phải đảm bảo đúng quy định. Sở GD&ĐT cần thành lập ban thanh tra, kiểm tra thường xuyên cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và xử lý thật nghiêm nhưng trường hợp vi phạm".
Theo LS Đặng Văn Cường, học viên hoàn toàn có quyền đòi lại tiền học phí và trình báo tới cơ quan chức năng nếu trung tâm này không trả lại học phí theo quy định của pháp luật. Ảnh: Đình Tuệ. |
LS Đặng Văn Cường cũng nhấn mạnh, đối với trường hợp không được cấp giấy phép buộc phải đình chỉ hoạt động, xử lý vi phạm hành chính, buộc trả lại học viên số tiền đã nộp.
Vì vậy, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm rõ điều kiện hoạt động của trung tâm này. Nếu kết quả xác minh cho thấy trung tâm này không đầy đủ điều kiện để được phép hoạt động, chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền thì việc hoạt động dạy học này là hoạt động “chui”, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý giáo dục, đào tạo.
"Trong trường hợp các học viên đã nộp tiền học cho trung tâm hoạt động “chui” này có yêu cầu đòi lại số tiền đã nộp thì Trung tâm này phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nộp thu trái pháp luật của những học viên. Thời gian giảng dạy, đào tạo sẽ không được pháp luật thừa nhận. Trong trường hợp trung tâm này không trả lại tiền cho học viên, học viên có quyền trình báo sự việc với cơ quan Công an hoặc khởi kiện tới tòa án để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật", LS Cường khẳng định.
Ông Cường cho rằng, dù là dạy học Tiếng Anh hay dạy bất cứ môn học nào có liên quan tới văn hóa, tri thức thì trước tiên đòi hỏi người thầy phải “chuẩn”, phải có văn hóa, có tri thức và phải có ý thức, tác phong giao tiếp phù hợp với chuẩn mực đạo đức của người thầy thì mới được phép hoạt động trong ngành giáo dục.
Nếu người đứng trên bục giảng mà không đủ phẩm chất đạo đức, văn hóa ứng xử thấp kém, nhận thức lệch lạc, có những phát ngôn, hành động lệch chuẩn, không phù hợp với đạo đức, tư cách của nhà giáo thì cần phải loại bỏ ngay khỏi bộ máy giáo dục. Việc này cũng để tránh tác động tiêu cực tới việc phát triển và hình thành nhân cách, văn hóa của học viên, tránh tác động tiêu cực tới hành vi, văn hóa ứng xử của học viên làm tăng nguy cơ bất ổn của xã hội, xuống cấp về đạo đức.
Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ cô giáo buông lời chợ búa, chửi học viên là con lợn
Vụ việc cô giáo N.K.T. - giáo viên dạy Tiếng Anh ở một trung tâm tại Hà Nội có những lời nói lăng mạ học ... |