Tiền nhàn rỗi của dân đang đổ vào các cơn sốt đất

Theo các chuyên gia, nguyên nhân sốt đất do người dân có dòng tiền nhàn rỗi và kỳ vọng về giá bất động sản tăng, nguồn cung các phân khúc hạn chế, lãi suất gửi ngân hàng thấp. Một nhóm người đưa ra những thông tin về quy hoạch, điều chỉnh giá đất để trục lợi, kiếm lời qua cơn sốt đất,...

Sốt đất do nguồn cung hạn chế, người dân có tiền nhàn rỗi,...

Tại Tọa đàm "Tỉnh táo trong cơn sốt đất" do Báo Người lao động tổ chức sáng nay (8/4), ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc CTCP DKRA Việt Nam nhận định, nguyên nhân sốt đất ở một số địa phương thời gian qua một phần do người dân có dòng tiền nhàn rỗi và kỳ vọng về giá bất động sản tăng.

Một số kênh đầu tư tích trữ an toàn như tiền gửi có lãi suất thấp nên nhà đầu tư tìm đến kênh hấp dẫn hơn như bất động sản.

"Dù vậy, nếu nhìn ở bức tranh chung, sốt đất xảy ra cục bộ một số địa phương khi có thông tin về quy hoạch. Giá có thể tăng vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng,… nhưng không phải là giao dịch quy mô lớn mà chủ yếu là giao dịch nhỏ, do một nhóm người đưa ra những thông tin về quy hoạch, điều chỉnh giá đất để trục lợi, kiếm lời qua cơn sốt đất", ông Lâm nói.

Một nhóm người kiếm lời qua cơn sốt đất - Ảnh 1.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc CTCP DKRA Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Người lao động).

Cũng tại tọa đàm, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc cho rằng, nhà đầu tư và thị trường cần thật tỉnh táo vì khi có những cơn sốt xảy ra, người người, nhà nhà rủ nhau đi mua đất sẽ tạo tâm lý đám đông.

Phân tích về những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản sốt giá, vị chuyên gia này cho rằnG, do những năm qua nguồn cung hạn chế, thiếu sản phẩm ở các phân khúc trong khi nguồn tích luỹ của nhà đầu tư là có, dòng tiền dồi dào.

Trong khi đó, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hoà cho rằng, những cơn sốt đất có phần từ việc giá nhà đất trên địa bàn đã quá cao, vượt quá khả năng của người dân buộc họ phải chuyển dòng tiền sang các tỉnh lân cận để mua nhà đất.

Những yêu cầu về tính pháp lý, vướng mắc pháp lý thời gian qua cũng vô tình hạn chế nguồn cung, hạn chế dự án mới nên buộc người dân, doanh nghiệp phải đi ngày càng xa các tỉnh và phải lựa chọn bán dự án bất động sản giá cao.

Cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản

Một nhóm người kiếm lời qua cơn sốt đất - Ảnh 2.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Người lao động).

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, giá bất động sản hiện đang sốt trên tất cả loại hình, không chỉ đất nền và đất nông nghiệp mà cả sốt giá căn hộ, dự án nhà biệt thự, nhà phố và cả khu vực đô thị cũ,...

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm chưa bao giờ thấp như hiện nay. Doanh nghiệp bất động sản được vay với lãi suất thấp nhất trong thời gian qua. Lãi suất xuống thấp cũng góp phần hướng dòng tiền tiết kiệm sang bất động sản. 

Ngoài ra, tâm lý đám đông có phần đến từ giới đầu nậu, môi giới vì cả nước chỉ khoảng 300.000 môi giới được đào tạo chứng chỉ hành nghề, nên đòi hỏi tính chuyên nghiệp, đạo đức kinh doanh là rất khó. Và việc một số đầu nậu làm giá, thổi giá là khó tránh,...

Về giải pháp để triệt những cơn sốt đất, lãnh đạo HoREA dẫn kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, khi xử lý vấn đề này cần đánh thuế chuyển nhượng rất cao để triệt tiêu ý chí của nhà đầu tư. 

Cụ thể, nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2 - 3 năm đầu khi chuyển nhượng. Đồng thời, Nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng. 

"Hiện nay, nhà nước có chính sách thu hồi đất, chậm đưa vào sử dụng nhưng chỉ thu hồi những dự án bất động sản không đưa vào sử dụng. Trong khi ở Trung Quốc, họ làm những công cụ này rất tốt, như khi có bong bóng thì ngay lập tức chính quyền địa phương áp thuế suất cao", ông Châu nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc cho vay 70% giá trị tài sản bảo đảm có thể tạo cơ hội để nhà đầu tư vay mua lướt sóng nhiều hơn. Chính sách tín dụng này cũng cần thay đổi ở những giai đoạn sốt giá nhà đất, như giảm hạn mức cho vay xuống từ 70% về 30 - 50% tùy giai đoạn, kiểm soát việc đầu tư lướt sóng qua dòng tín dụng đổ vào thị trường bất động sản.

Ngoài ra, các tỉnh cần quy hoạch sử dụng đất, có kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Việc này nếu được triển khai hiệu quả sẽ vừa tăng nguồn cung, vừa kiểm soát được thị trường bất động sản.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.