Oxfam vừa công bố các thông tin bất ngờ liên quan nhóm người siêu giàu toàn cầu trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sắp diễn ra tại Thụy Sĩ.
Theo tổ chức này, số lượng người thuộc nhóm siêu giàu trên thế giới đã tăng gấp đôi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vào 10 năm trước, đến nay đã có khoảng 2.208 tỉ phú. Trung bình cứ hai ngày trôi qua lại có thêm một tỉ phú mới gia nhập vào nhóm những người giàu nhất hành tinh.
Kết quả nghiên cứu và thống kê của Oxfam cũng cho thấy tài sản của họ tăng khoảng 12% mỗi ngày so với năm ngoái. Tức những người giàu có này đang kiếm được thêm 2,5 tỉ USD mỗi ngày vào khối tài sản khổng lồ của họ.
Đặc biệt, chỉ riêng 26 tỉ phú giàu nhất thế giới hiện nay, đa phần là người Mĩ, với những cái tên nổi bật như ông chủ Amazon Jeff Bezos, Microsoft Bill Gates, nhà đầu tư Warren Buffet hay CEO gã khổng lồ Facebook Zuckerberg… đã nắm tổng tài sản tương đương của cải của 3,8 tỉ người nghèo nhất thế giới 2018 có được.
Trung bình cứ hai ngày trôi qua, có thêm một tỉ phú mới gia nhập vào nhóm những người giàu nhất hành tinh. Những người giàu có này đang kiếm được thêm 2,5 tỉ USD mỗi ngày vào khối tài sản khổng lồ của họ. |
Trong khi tài sản của nhóm giàu có càng tăng thêm mỗi ngày khiến họ càng giàu hơn thì ngược lại, ở nhóm nghèo nhất đang chứng kiến tài sản của mình giảm đi 11% trong năm.
Theo Oxfam, khoảng cách giữa chênh lệch giàu nghèo trên thế giới ngày càng tăng cao, một phần đến từ các chính sách liên quan thuế.
Cụ thể, tập đoàn của các doanh nghiệp giàu nhất thế giới đang phải trả một mức thuế khá thấp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nhiều chính sách trong việc chống trốn thuế cũng trở nên thất bại.
Đại diện Oxfam khuyến nghị các quốc gia nên đánh thuế tài sản một cách công bằng hơn, nâng thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp các cá nhân siêu giàu và các tập đoàn lớn cũng như ngăn chặn việc trốn thuế vẫn đang xảy ra.
Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành của Oxfam cho biết trong khi các tập đoàn của nhóm siêu giàu hưởng lợi từ việc đóng thuế thấp thì hàng triệu trẻ em gái đang không được đi học và phụ nữ vẫn đang mất đi mạng sống vì thiếu chế độ chăm sóc thai sản.
Tổ chức này ước tính chỉ cần 1% nhóm người giàu nhất thế giới đóng thêm 0,5% thuế tài sản thì sẽ hỗ trợ được hơn 262 triệu trẻ em thất học được tiếp tục đến trường, và cung cấp các dịch vụ y tế cứu mạng 3,3 triệu người.
Trong những năm qua, mức thuế mà các cá nhân và tập đoàn phải đóng đã được cắt gảm rất nhiều. Đơn cử, ở một số nước giàu, thuế thu nhập cá nhân từ mức 62% năm 1970 đã được cắt giảm xuống còn 38% năm 2013. Trong khi tỉ lệ này ở các nước nghèo không chênh lệch bao nhiêu, khi ở mức 28%.
Theo Oxfam, việc cắt giảm thuế tài sản này không có nhiều ý nghĩa bởi chủ yếu mang lại lợi ích cho nam giới. Đây là nhóm sở hữu tài sản nhiều hơn 50% so với nữ giới trên toàn thế giới, và nắm giữ hơn 86% các tập đoàn.
Nghịch cảnh cũng xảy ra tại Brazil và một số quốc gia khác khi nhóm 10% nghèo nhất trong xã hội đang phải đóng thuế so với thu nhập của họ cao hơn nhóm 10% người giàu nhất.
Để giải quyết sự chênh lệch giàu nghèo này, Oxfam cho biết các quốc gia nên cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác miễn phí để số đông được hưởng lợi ích của phát triển kinh tế, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.