Hơn 1 năm sau sự cố môi trường biển, hàng trăm tấn sứa biển đã phân hủy, bốc mùi hôi thối vẫn nằm chềnh ềnh trong kho chứa của nhiều hộ dân.
Do sứa là một trong những mặt hàng không thuộc diện hỗ trợ nên người dân không dám tiêu hủy vì chưa được áp giá đền bù.
Sau một thời gian dài đóng băng, ngày 29/11/2017, Thủ tướng chính phủ ban hành văn bản số 1826.TTg – NN về việc xử lý hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác trên địa bàn 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Theo đó, dựa trên cơ sở báo cáo của UBND 4 tỉnh, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 9279,/BNN-TCTS ngày 6/11, báo cáo số liệu hải sản tồn động và các đối tượng tồn động khác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý hỗ trợ chủ cơ sở có hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác trên địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Số lượng sứa tồn động hơn 1 năm nay đã hư hỏng, bốc mùi hôi thối. Ảnh Hoài Nam |
Cụ thể, đối với mặt hàng hải sản tồn động mức hỗ trợ đối với sản phẩm sứa là 100% giá trị lô hàng, còn đối với loại hải sản tồn động khác hỗ trợ 30% giá trị lô hàng.
Ngoài ra, khối lượng hải sản tồn động của 4 tỉnh tối đa là 5.453,8 tấn với tổng kinh phí là 242,6 tỷ đồng. Trong đó, Hà Tĩnh tiêu hủy 2.708,6 tấn, với mức kinh phía là 150,32 tỷ đồng.
Căn cứ Công văn của Thủ tướng Chính phủ, chiều 15/12, UBND huyện Lộc Hà đã lập Hội đồng tiêu hủy số lượng sứa tồn đọng trong dân.
Tổng số lượng sứa tiêu hủy là 362,050 tấn thuộc sở hữu của 26 hộ, trong đó xã Thạch Bằng có 19 hộ, xã Thạch Kim 6 hộ và xã Hộ Độ 1 hộ. Toàn bộ số sứa này được tiêu hủy tại bãi rác Hồng Lộc (xã Hồng Lộc, huyện Thạch Hà).
Sứa được mang đi tiêu hủy. Ảnh Hoài Nam |
Ông Trần Thanh Bình xóm 7 xã Thạch Bằng cho biết, vào tháng 3/2016 gia đình ông thu mua hơn 23 tấn sứa biển để chế biến bán ra thị trường. Tuy nhiên ngay sau sự cố môi trường biển Miền trung xảy ra làm cho số lượng hải sản không thể bán ra được.
“Loài sứa chỉ sử dụng được trong vòng 3 tháng nhưng sau sự cố môi trường là không thể bán ra được, nên chất đống trong kho. Ban đầu theo quy định thì sứa không thuộc mặt hàng được hỗ trợ, nhưng mới đây chủ trương của nhà nước cho tiêu hủy và đền bù nên chúng tôi cũng giải tỏa được căng thẳng bấy lâu nay. Bởi sứa thì bốc mùi thối, mà hơn 1 năm nay chất đống trong kho vậy”, ông Bình nói.
Toàn bộ số sứa được tiêu hủy tại bãi rác Hồng Lộc (xã Hồng Lộc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh Hoài Nam |
Còn ông Lê Viết Huy, chủ cơ sở chế biến hải sản Huy Lộc (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) phản ánh, cơ sở của ông tồn động 50 tấn sứa. Do chưa thống nhất được hướng giải quyết nên lâu nay sứa vẫn nằm trong kho.
“Sứa thì giờ đã móc rêu xanh hết. Trong chiều 15/12, hơn 50 tấn sứa trong gia đình đã được đưa đi tiêu hủy. Giờ sứa được đưa đi tiêu hủy, được chính phủ hỗ trợ nữa khiến người dân an tâm buôn bán hơn”, ông Huy cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, sau khi nhận được công văn của chính phủ, đơn vị đã huy động lực lượng thống kê lại số lượng sứa trên toàn xã.
“Toàn xã có 79 tấn sứa đã bốc mùi hôi thối của 6 hộ dân. Ngay trong chiều nay, UBND xã phối hợp với huyện mang toàn bộ sứa đi tiêu hủy. Sứa được hỗ trợ, đem đi tiêu hủy khiến nhiều người vui mừng. Bởi lượng sứa này đã bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường sống”, ông Tân cho biết.
Hà Tĩnh: Hàng trăm tấn sứa thối bốc mùi tồn đọng gần một năm vẫn chưa tiêu hủy
Trong khi cơ quan chức năng đang loay hoay tìm hướng giải quyết cho hàng trăm tấn sứa đã hết hạn sử dụng thì người ... |