Tiêu tiền quá khó, 'bất khả thi' 1 năm phải dùng hết 160 ngàn tỉ

Với tiến độ giải ngân như 3 năm trở lại đây thì việc sử dụng hết số tiền trên 160 nghìn tỉ này là “không khả thi”.

Có tiền không tiêu được

Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến ngày 13/9 về tình hình giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã cho thấy một vấn đề rất đáng báo động: Tiền vay nước ngoài không giải ngân được.

Tổng vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài đã được Quốc hội thông qua cho cả giai đoạn 2016-2020 là 360 nghìn tỉ đồng (gồm bổ sung 60 nghìn tỉ đồng theo Nghị quyết 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018).

Tiêu tiền quá khó, 'bất khả thi' 1 năm phải dùng hết 160 ngàn tỉ - Ảnh 1.

Vốn ODA giải ngân rất chậm chạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng và hiệu quả sử dụng vốn. (Ảnh: Lương Bằng(

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, tiến độ giải ngân các năm gần đây có xu hướng giảm rõ rệt. Nếu như năm 2016, tỉ lệ giải ngân còn đạt trên 90% thì đến năm 2018 giảm xuống chỉ đạt khoảng 56% so với dự toán được Quốc hội giao.

Tính tổng giai đoạn 2016-2018, vốn đầu tư công Quốc hội giao là 184.033 tỉ đồng, trong đó Chính phủ đã giao 175.118 tỉ đồng. Nhưng tổng vốn đã thực hiện mới đạt 137.176 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 74,53% so với dự toán được Quốc hội giao.

Bộ Tài chính đánh giá, trường hợp năm 2019 số giải ngân thực tế đạt tối đa bằng số kế hoạch (60.000 tỉ đồng) thì số kế hoạch còn lại cho năm 2020 là 162.824 tỉ đồng. Với tiến độ giải ngân như 3 năm trở lại đây thì việc sử dụng hết số kế hoạch vốn còn lại năm 2020 là không khả thi.

Đó là chưa kể, 8 tháng năm 2019 cả nước cũng mới giải ngân được 6.480 tỉ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỉ đồng).

Tiêu tiền quá khó, 'bất khả thi' 1 năm phải dùng hết 160 ngàn tỉ - Ảnh 2.

Tình hình giải ngân vốn vay nước ngoài từ 2016-2018 liên tục sụt giảm.

Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, việc giải ngân vốn vay nước ngoài là rất chậm. Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh được TƯ giao kế hoạch vốn từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài trên 897 tỉ đồng cho 4 chương trình, dự án gồm: sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập; chương trình vệ sinh nước sạch nông thôn; dự án thoát nước và xử nước thải TP. Hạ Long; dự án phát triển đô thị.

Tới nay, tiến độ giải ngân vốn ODA của Quảng Ninh là 116 tỉ đồng, mới đạt 14,9% kế hoạch.

Tại tỉnh Quảng Bình, tổng số vốn nước ngoài được công bố trong kế hoạch năm 2019 là hơn 635 tỉ đồng. Đến ngày 31/8, tỉnh này mới chỉ giải ngân được vỏn vẹn hơn 47 tỉ đồng, chậm so với kế hoạch được giao.

Tại tỉnh Hà Giang, tổng số kế hoạch vốn ODA năm 2019 là trên 752 tỉ đồng. Kết quả giải ngân trong 8 tháng so sánh với số kế hoạch vốn ODA được giao mới đạt 27,3%.

Thủ tục chậm, sửa ngay

Bộ Tài chính đánh giá vướng mắc lớn hiện nay là việc giao kế hoạch chậm và không phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, quy trình điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn dài và phức tạp. Một trong những nguyên nhân chính là do vướng trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 26 khoản vay với tổng trị giá là 3,4 tỉ USD mới từ năm 2016 đến nay có nhu cầu giải ngân nhưng chưa được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bộ Tài chính cho rằng các Bộ ngành và địa phương thông báo kế hoạch vốn năm 2019 chậm. Đến cuối tháng 6/2019, Bộ KH-ĐT mới giao kế hoạch khoảng 55% kế hoạch vốn được Quốc hội giao và đến 16/7 mới giao được gần 68% kế hoạch được Quốc hội duyệt.

“Tình trạng này dẫn đến việc các Bộ ngành và địa phương không có nguồn vốn để giải ngân, trong khi nhu cầu thực hiện các dự án là rất cấp bách. Hơn nữa, việc giao kế hoạch vốn vào những tháng cuối năm khiến cho các cơ quan bị động trong công tác giải ngân, có thể dẫn đến việc không thể giải ngân hết và phải hủy kế hoạch vốn”, Bộ Tài chính lo ngại.

Việc bố trí vốn thiếu so với kế hoạch và tiến độ triển khai cũng như so với cam kết của các hiệp định vay đang là mối quan tâm của cả chủ dự án và các nhà tài trợ. Tất cả đều “sốt ruột”.

Theo kết quả rà soát của 6 ngân hàng phát triển, chỉ tính riêng nhóm các dự án sử dụng vốn vay của 6 nhà tài trợ đã có trên 60 dự án chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2019 theo tiến độ và khả năng giải ngân, với nhu cầu vốn cần bổ sung là trên 34 ngàn tỉ đồng.

Qua theo dõi, Bộ Tài chính nhận thấy việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư của dự án thường kéo dài, dẫn đến một số trường hợp khi kết được hiệp định vay thì thời gian còn lại để triển khai dự án không đủ, phải làm thủ tục xin gia hạn. Từ đầu năm 2019 đến nay đã có hơn 40 Hiệp định vay phải làm thủ tục gia hạn với nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, nhiều dự án đội vốn nhiều lần, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nên cũng chậm giải ngân. 6 tháng đầu năm 2019, có 26 chương trình, dự án phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Riêng nhóm các dự án đường sắt đô thị, với tổng vốn vay đã kết gần 4,5 tỉ USD, thì 4/7 dự án đang trong giai đoạn điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc bố trí nguồn vốn giải ngân cho các dự án này vẫn đình trệ. Có trường hợp có quy mô điều chỉnh tổng mức đầu tư rất lớn như Dự án metro tuyến 1 Bến Thành - Suối Tiên tăng tổng mức đầu tư gần gấp 3 lần (từ 17 nghìn tỉ lên 47 nghìn tỉ đồng).

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ KH-ĐT tư khẩn trương phối hợp với các bộ ngành có liên quan xây dựng Nghị định mới về quản vốn ODA và vay ưu đãi; rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính bao gồm quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm, cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Để giúp các dự án có thể nhanh chóng triển khai theo đúng tiến độ trong khi cơ chế điều chỉnh kế hoạch vốn chưa được sửa đổi, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH-ĐT thực hiện việc rà soát và báo cáo ngay các cấp có thẩm quyền để thực hiện việc điều chuyển các nguồn vốn giữa các dự án cho phù hợp với nhu cầu giải ngân thực tế, đặc biệt là đối với các dự án điều chuyển, điều chỉnh nội bộ trong kế hoạch của các Bộ, ngành địa phương đã được bố trí nhưng không vượt kế hoạch.

chọn
Diễn biến mới tại sân golf Đồi Cù từng xây dựng sai phép của Hoàng Gia ĐL
Hoàng Gia ĐL vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hạng mục clubhouse hơn 15.000 m2 tại dự án sân golf Đà Lạt. Công trình này từng bị phát hiện vi phạm xây dựng không phép khiến chủ đầu tư bị phạt 240 triệu đồng.