Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa Ngày của Mẹ

Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa Ngày của MẹNgày của Mẹ 2021 là ngày nào? Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày của Mẹ ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này.

Nguồn gốc ra đời Ngày của Mẹ

Ngày của Mẹ có nguồn gốc từ thời kỳ Hy Lạp và La Mã cổ đại. Thời điểm đó, người Hy Lạp đã có tục truyền cúng tế nữ thần Rhena, người được coi là Mẹ của tất cả các vị thần Hy Lạp. Còn người Anatolia (La Mã) có lễ hội mùa xuân tưởng nhớ mẫu thần Cybele, “bà chúa muôn loài” của La Mã cổ đại. Tuy nhiên, lễ kỷ niệm khi này chỉ diễn ra trong phạm vi khu vực và dần bị quên lãng sau khi hai nền văn minh này sụp đổ.

Cho đến năm 1868, một phụ nữ người Mỹ có tên là Ann Maria Reeves Jarvis, đã tạo ra một nhóm với tên gọi “Ngày tình bạn của các bà mẹ” với mục đích gắn kết lại tình cảm gia đình vốn bị chia cắt bởi thời kỳ nội chiến Mỹ (1861 – 1865). Khi Ann Maria Reeves Jarvis mất, con gái của bà đã đề nghị Thượng nghị viện Mỹ tổ chức Ngày của Mẹ trên toàn quốc. Sau nhiều nỗ lực của cô, đến năm 1911, Ngày của Mẹ được người Mỹ ghi nhận và tổ chức lễ kỷ niệm tại hầu hết các bang của đất nước.

Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa Ngày của Mẹ - Ảnh 1.

Nguồn: istockphoto

Sau đó, ngày 8/5/1914, Tổng thống Mỹ thứ 28 là ông Thomas Woodrow Wilson đã ấn định ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm sẽ là Ngày của Mẹ. Từ đây, Ngày của Mẹ chính thức trở thành một ngày kỷ niệm được nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng, trong đó có Việt Nam.

Năm 2021, Ngày của Mẹ rơi vào ngày 9/5 với nhiều hoạt động kỷ niệm ý nghĩa trên toàn thế giới.

Ý nghĩa sâu sắc của Ngày của Mẹ

Rất nhiều người mẹ trên thế giới này đã và đang dùng mọi sức lực, thời gian và tuổi xuân của mình để nuôi con khôn lớn. Không ai có thể phủ nhận được thứ tình cảm mà một người mẹ dành cho con mình, không toan tính, vụ lợi mà chỉ biết cho đi chứ chưa hề nhận lại. Những người mẹ luôn tỏ ra mình rất mạnh mẽ, nhưng thực ra ai cũng muốn nhận được những lời yêu thương từ con cái của mình. Tuy nhiên, có nhiều người cảm thấy rất khó để nói lời yêu thương với mẹ của mình, đến khi quá muộn lại ân hận vì đã không bày tỏ sớm hơn.

Và Ngày của Mẹ hàng năm chính là dịp con cái bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ của mẹ. Qua đó, những lời chúc chân thành và những món quà ý nghĩa sẽ được trao đến người phụ nữ tuyệt vời ấy theo cách tuyệt vời nhất.

Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa Ngày của Mẹ - Ảnh 2.

Nguồn: istockphoto

Một số hoạt động nhân văn trong Ngày của Mẹ  

Hàng năm, vào Ngày của Mẹ, hầu hết các quốc gia đều tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc nhằm tri ân vai trò của người mẹ trong xã hội. Hưởng ứng ngày kỷ niệm này, tại Việt Nam, các đơn vị trường học, hội phụ nữ, công đoàn,... cũng tổ chức hàng loạt chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, trong đó điển hình như chương trình ca múa nhạc, hội sách, cuộc thi làm thơ, vẽ tranh về mẹ,...

Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa Ngày của Mẹ - Ảnh 3.

Nguồn: istockphoto

Riêng năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các hoạt động tập trung trong Ngày của Mẹ có thể sẽ bị tạm hoãn, ví dụ như chương trình Đại nhạc hội “Thế giới hát về Mẹ”, dự kiến diễn ra vào ngày 9/5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta bỏ qua một dịp vô cùng đặc biệt này. Để kỷ niệm Ngày của Mẹ, chúng ta có thể dành trọn ngày Chủ Nhật cho mẹ, cùng mẹ làm công việc nhà, nấu cho mẹ một bữa ăn, cùng mẹ xem một bộ phim và nhất là gửi đến mẹ những món quà, những lời chúc ý nghĩa. 

Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa Ngày của Mẹ - Ảnh 4.

Nguồn: istockphoto

Nếu bạn là một đứa con xa nhà, đừng quên gọi điện thoại để trao gửi lời yêu thương đến mẹ nhân dịp này.

chọn
Con trai chủ tịch Tân Hoàng Minh: 'Không ngờ hậu quả lớn đến vậy'
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, khai thực hiện các "biện pháp huy động vốn" để gỡ khó cho công ty nhưng "không lường được hậu quả lớn vậy".