VietinBank Tower là dự án được kì vọng lớn của Ngân hàng Công thương Việt Nam. (Phối cảnh dự án).
Hồi đầu năm 2010, trong buổi họp báo thông tin về Dự án xây dựng Trụ sở chính VietinBank tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, ông Nguyễn Văn Du - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) thời điểm đó cho biết:
Để thuận lợi cho việc quản trị, điều hành tập trung, trực tiếp của Ban lãnh đạo, phù hợp với sự phát triển quy mô của một ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam trong quá trình xây dựng thành một tập đoàn Tài chính - Ngân hàng lớn, kinh doanh đa chức năng, xứng tầm trong khu vực và thế giới, VietinBank cần thiết phải có một Trụ sở chính hiện đại, đáp ứng được nhu cầu và vị thế tương lai.
Vì thế ngân hàng này đã quyết định trao đổi, bàn bạc về việc góp vốn hợp tác với các đối tác nước ngoài để xây dựng trụ sở chính.
Theo quyết định, lô đất có kí hiệu (TM01) có diện tích 29.923 m2 được thuê trong khu đô thị Tây Hồ Tây - Ciputra dùng để xây dựng Dự án tổ hợp công trình VietinBank Tower.
Thời điểm này, khu đô thị Ciputra được giới thiệu có vị trí lí tưởng, liền kề Sông Hồng và Hồ Tây, đồng thời tiếp cận các tuyến đường huyết mạch của Thủ đô như đường Vành đai 2 (đường Võ Chí Công 10 làn xe) và Vành đai 3 (đường Phạm Văn Đồng 12 làn xe). Từ Khu đô thị, chỉ ba phút đến Hồ Tây, 15 phút đến Hồ Hoàn Kiếm và 17 phút đến Sân bay quốc tế Nội Bài qua cầu Nhật Tân hoặc Thăng Long. Đây được coi là khu đô thị đáng sống nhất của Hà Nội.
Trụ sở VietinBank hiện tại có địa chỉ 108 phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Mạnh Cường).
Đến ngày 20/10/2010 dự án VietinBank Tower chính thức được khởi công tại khu đất trên. Với tổng diện tích sử dụng 300.000 m2, tổ hợp Ciputra bao gồm hai toà tháp, được liên kết với nhau bằng khối đế 7 tầng.
Tháp thứ nhất, cao 68 tầng, sẽ là Trụ sở chính mới của VietinBank. Tháp thứ hai, cao 48 tầng, sẽ là nơi đặt khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ spa. Tổ hợp toà nhà được định hướng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng với thiết kế giảm thiểu các tác động của môi trường xung quanh.
Dự kiến hai toà tháp trên sẽ được đưa vào hoạt động năm 2014 nhưng đến nay, sau một thời gian xây dựng đã không thể tiếp tục thi công.
Hai toà tháp của VietinBank sau nhiều năm xây dựng vẫn chưa thể hoàn thành. (Ảnh: Mạnh Cường).
Nguyên nhân được lãnh đạo nhà băng này đưa ra do lộ trình tăng vốn chưa được phê duyệt dẫn tới khó khăn về vốn để tiếp tục thực hiện dự án lớn này. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đánh giá có khả năng không khai thác hết công năng của dự án.
Ngày 8/12/2018, trong buổi họp Đại hội cổ đông bất thường, HĐQT VietinBank đã trình cổ đông thông qua phương án cơ cấu lại VietinBank Tower.
Hiện tại, VietinBank đang thực hiện tái cơ cấu lại dự án với hai phương án được đưa ra:
Phương án thứ nhất: Chuyển nhượng toàn bộ tài sản của Dự án, VietinBank sẽ thuê mua lại tháp 68 tầng để làm Trụ sở làm việc. Hết thời hạn thuê, VietinBank sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.
Đối với phương án hai, VietinBank tiến hành chuyển nhượng một phần tài sản của Dự án, bao gồm: Tòa tháp 48 tầng, Khối đế và các tài sản khác (nếu có thỏa thuận). Đối với phương án này, VietinBank sẽ giữ lại tòa Tháp 68 tầng để làm Trụ sở chính. VietinBank sẽ xin chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh tổng mức đầu tư tháp 68 tầng để triển khai thực hiện và hoàn thành.
Phía VietinBank cũng thông tin, sau một thời gian rao bán đã có nhiều đối tác quan tâm tới dự án trên.