Tình hình Coteccons thời hậu ông Nguyễn Bá Dương

Sau khi ông Nguyễn Bá Dương và cộng sự thân tín rời đi, tương lai của Coteccons sẽ ra sao là vấn đề được không chỉ khiến các nhà đầu tư lớn, các cổ đông nhỏ lẻ mà cả dân trong nghề quan tâm. Coteccons hiện vẫn là doanh nghiệp xây dựng có nền tảng tài chính mạnh nhất với 3.700 tỉ đồng.

Đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, những câu chuyện xoay quanh CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) - ông trùm ngành xây dựng Việt Nam vẫn chưa đến hồi kết.

Tại đại hội đồng cổ đông cuối tháng 6, Coteccons cho biết HĐQT đã có những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới mâu thuẫn với cổ đông ngoại Kusto và sớm đưa Coteccons trở lại ổn định.

Những tưởng mọi mâu thuẫn đã lắng xuống thì cuối cùng, ông Dương cũng rời ghế Chủ tịch HĐQT Coteccons sau khi một loạt nhân sự "cứng" đã theo ông nhiều năm rời đi về công tác tại các công ty trong hệ sinh thái Coteccons Group trước đây như Trần Quang Quân, cựu Phó Tổng giám đốc Coteccons và nhiều thành viên khác.

Việc ông Dương cùng loạt cộng sự thân tín rời rời đi khiến không ít người hoài nghi về tương lai của Coteccon. Bởi ai cũng hiểu đó là đặc thù của ngành xây dựng, chủ đầu tư họ giao việc thông qua cá nhân như ông Dương chứ không phải công ty. 

Chưa dừng ở đó, những vệ tinh xung quanh Coteccons được gọi là "Coteccons Group" trước đây rời đi cũng được cho là sẽ khiến Coteccons trở nên đơn độc trên thị trường xây dựng.

Mặc dù ở góc độ quản trị doanh nghiệp, ông Dương bị nhiều nhà đầu tư phê phán rằng xây dựng hệ sinh thái nhưng phần vốn góp hầu hết từ các cá nhân liên quan mà không phải từ vốn góp của Coteccons có thể dẫn đến vấn đề xung đột lợi ích theo kiểu "tranh thủ cơ hội của công ty". 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Dương, nếu không có những vệ tinh nói trên, Coteccons khó có thể phát triển mạnh như ngày nay. Ông Dương cho rằng bản thân Coteccons không thể thực hiện hết các công việc cùng một lúc tại các dự án lớn, mà cần phải giao lại cho các nhà thầu khác. 

"Coteccons giao việc lại cho các công ty như Ricons, Newtecons,... bởi thị trường đang thiếu các nhà thầu chuyên nghiệp và Coteccons cũng không thể giao thầu cho đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, Ricons, Newtecons,... là những công ty có cùng cách làm, có khả năng đáp ứng đúng tiến độ thì họ mới giao việc cho mình", ông Dương cho hay.

Do vậy, khi nhiều nhân sự chủ chốt ra đi hệ sinh thái "Coteccons Group" tan rã, Coteccons sẽ phải giải quyết cùng lúc hai vấn đề lớn nhất, đó là nguồn công việc và khả năng thực hiện các dự án lớn. 

Trong khi đó Kusto chỉ là một nhà đầu tư rót vốn vào các doanh nghiệp và không có kinh nghiệm gì về ngành xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, phía Coteccons cũng cho thấy đang rầm rộ tuyển dụng trong thời gian gần đây. 

Đặc biệt là sự xuất hiện của ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) tại trụ sở Coteccons trong mấy tuần qua. Ông Hải được cho là đại diện theo ủy quyền của ông Talgat Turumbayev, thành viên HĐQT của Coteccons đang là thành viên HĐQT của Kusto Group.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, một người cũ của Coteccons, người được đánh giá là có năng lực ngoại giao và có mối quan hệ rất tốt với các chủ đầu tư lớn trong nước đã từ chối trả lời nhưng cũng không bác bỏ về khả năng quay trở về dẫn dắt Coteccons. 

Song, thị trường cũng đặt nhiều dấu hỏi về sự xuất hiện trở lại của Ông Trịnh Thanh Huy trong vai trò Chủ tịch HĐQT tại CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) - doanh nghiệp có từng có mối liên hệ với Kusto đang muốn trở lại sản chứng khoán với một bộ hồ sơ "tơi tả". 

Hiện tại, Coteccons vẫn là doanh nghiệp xây dựng có nền tảng tài chính mạnh nhất hiện nay với 3.700 tỉ đồng gồm các khoản tiền & tương đương tiền, tiền gửi có kì hạn tại cuối tháng 6/2020 và hoàn toàn không có nợ vay. 

Tuy nhiên, số tiền này sẽ phình to hay rút lại phụ thuộc rất lớn vào những người điều hành mới của công ty.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.