Tòa nhà Capital Place đang thế chấp tại ngân hàng ngoại, chủ nợ không đồng ý để bà Trương Mỹ Lan rao bán

Đại diện HSBC và OCBC Bank Singapore cho rằng bà Trương Mỹ Lan không có quyền định đoạt đối với tòa nhà này vì tài sản này đã thế chấp cho các ngân hàng ngoại.

Tòa nhà Capital Place tại số 29 Liễu Giai. (Ảnh: Hoàng Huy).

Theo Dân trí, tại phiên xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn thịnh Phát và SCB vào chiều ngày 28/3, trong phần tranh luận của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện Ngân hàng HSBC (Tập đoàn Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải) phản đối bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bán tòa nhà Capital Place (29 Liễu Giai, Hà Nội) với giá 1 tỷ USD.

Đại diện Ngân hàng HSBC và OCBC Bank Singapore cho rằng "bà Trương Mỹ Lan không có quyền định đoạt đối với tòa nhà này vì tài sản này đã thế chấp cho các ngân hàng".

Theo giải trình của hai ngân hàng này tại tòa, CTCP Twin-Peaks (thuộc CapitaLand) có vay mượn khoản tiền khoảng 200 triệu USD, tài sản thế chấp bao gồm tòa nhà Capital Place và quyền sử dụng tòa nhà này. Hiện tại, khoản vay vẫn chưa được tất toán hoàn toàn, thời điểm đáo hạn trả nợ là ngày 30/4 tới đây.

Đại diện hai ngân hàng không đồng tình với ý kiến của bà Lan về việc bán tòa nhà để khắc phục hậu quả vụ án, đồng thời đưa ra đề nghị cho phép hai ngân hàng được ưu tiên giải quyết khoản nợ bao gồm tiền gốc lẫn lãi.

Trong các phiên tòa trước đó, bà Lan nhiều lần nhắc đến thông tin đã ủy quyền cho con gái là bà Chu Duyệt Phấn rao bán tòa nhà Capital Place với giá 1 tỷ USD để thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả vụ án.

Bà Trương Mỹ Lan khai dự án này đang thế chấp vay 230 triệu USD của các ngân hàng nước ngoài. Do đó, khi bán thành công dự án và trừ đi các khoản chi phí, trả nợ ngân hàng, phần còn lại gia đình bà nộp khắc phục hậu quả vụ án.

Hội đồng xét xử cho biết thực tế dự án này được đối tác tìm mua chỉ trả với giá khoảng 360 triệu USD, không có chuyện bán với giá 1 tỷ USD như bà Lan trình bày. Tuy nhiên, theo bà Lan, tòa nhà này trước đây được mua với giá 700 triệu USD, thêm chi phí làm thủ tục hồ sơ hoàn thiện nên ước tính tòa nhà này trị giá 1 tỷ USD.

Tòa nhà Capital Place trước đây là một phần của dự án Vinhomes Metropolis. Năm 2019, CTCP Twin-Peaks (thuộc CapitaLand) đã nhận chuyển nhượng tòa nhà này.

Đầu năm 2022, CapitaLand Development (CLD), nhánh phát triển bất động sản của CapitaLand, cho biết đã bán tòa nhà văn phòng hạng A Capital Place tại Hà Nội với giá 751 triệu SGD (tương đương 550 triệu USD) cho một bên thứ ba (không liên quan đến CapitaLand).

Vào thời điểm này, nhà phát triển bất động sản CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land công bố: Thông qua các đơn vị liên kết, doanh nghiệp đã chính thức sở hữu tòa nhà Capital Place và sẽ tham gia điều hành tòa nhà.

CTCP Twin-Peaks (Twin-Peaks) được thành lập vào tháng 11/2018, có địa chỉ tại Khu Văn Phòng, số 29 Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Tại lần đăng ký thay đổi hồi tháng 1/2024, vị trí Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Công ty đã thay đổi thành ông Đoàn Lâm Cường (sinh năm 1982, sống tại TP HCM), thay thế cho ông Chong Kah Fu (sinh năm 1984, quốc tịch Malaysia).

Theo thông tin của chúng tôi, tại thời điểm cuối tháng 4/2022, một pháp nhân kín tiếng là CTCP Sài Gòn Helios sở hữu 45% cổ phần của CTCP Twin-Peaks.

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.