Theo Financial Times (FT), ngày 11/10, tòa thánh Vatican đã tổ chức phiên đấu giá bán các tài sản được quyên góp trước đó để thanh toán khoản vay 242 triệu euro khổng lồ cho ngân hàng Credit Suisse.
Nguyên nhân của khoản vay được cho là dự án bất động sản hạng sang ở London. Theo một số nguồn thạo tin, khoản đầu tư này gây ra "thiệt hại lớn" cho Giáo hội Công giáo.
Khoản vay từ Credit Suisse được bảo đảm bằng một danh mục chứng khoán mà Tòa Thánh mô tả là "tài trợ phái sinh" giữ tại chi nhánh của ngân hàng ở Lugano, theo Financial Times đưa tin.
Ngoài ra, nhiều thông tin mới về việc quĩ từ thiện của tòa thánh đã bị thế chấp để thực hiện các vụ đầu tư tài chính rủi ro ngày càng xác thực tin đồn trước đó cho rằng giới quan chức Vatican đã sử dụng số tiền quyên góp từ tín đồ cho 'mục đích tài chính phức tạp'. Đây cũng là một trong số nguyên nhân dẫn đến thâm hụt tài chính nghiêm trọng.
Tháng trước, vị hồng y quyền lực Giovanni Angelo Becciu, người giám sát các khoản đầu tư này từ năm 2011 đến 2018, đã bị Giáo hoàng Francis yêu cầu từ chức do các cáo buộc "tham ô" nhưng không liên quan đến các khoản vay hoặc đầu tư của London.
Hồng y Becciu phủ nhận mọi hành vi sai trái và khẳng định sẽ tự bảo vệ mình trước mọi 'vu khống'. Vatican hiện nay chưa đưa ra kết luận chính thức nào và vị Hồng y đã nhiều lần phủ nhận việc sử dụng tài sản từ thiện để đầu tư phát triển bất động sản tại London.
Tuy nhiên, ông từ chối trả lời câu hỏi của FT về việc liệu các khoản đóng góp từ giáo dân hiện có được sử dụng đúng mục đích hay đang làm tài sản thế chấp cho các khoản vay để đầu tư hay không.
Vatican cũng từ chối bình luận về vấn đề này nhưng khẳng định không bị Credit Suisse phát mãi tài sản. Theo một nguồn thạo tin, tòa thánh muốn tự nguyện giảm các khoản nợ với ngân hàng: "Tòa thánh đang cố gắng giảm số nợ của mình".
Theo báo cáo tài chính của FT, một nửa số tài sản ròng mà Vatican nắm giữ trong danh mục đầu tư trị giá 530 triệu euro tại Credit Suisse được hạch toán bởi một quỹ có trụ sở tại Luxembourg có tên là Athena Capital. Credit Suisse là đơn vị giám sát danh mục đầu tư này nhưng không đưa ra lời khuyên hay định hướng đầu tư.
Về phần mình, quỹ Athena đã rót phần lớn số tiền quỹ do Tòa thánh ủy thác vào dự án phát triển một tòa nhà văn phòng ở khu vực Chelsea, London tại số 60 Đại lộ Sloane. Tòa nhà dự kiến sẽ bao gồm nhiều căn hộ hạng sang và khu văn phòng cho thuê.
Đầu năm nay, các đơn vị truyền thông chính thống của Vatican cũng công bố cáo buộc của những người ủng hộ Tòa thánh rằng việc đầu tư vào Athena dẫn đến "thiệt hại lớn" và Raffaele Mincione, chủ sở hữu quỹ này, đã "quản lí các nguồn tài chính giữa một cuộc xung đột lợi ích và các sáng kiến đầu cơ quá nghiệp dư".
Ông Mincione sau đó lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc sai trái liên quan đến việc quản lí tiền của Vatican và không tin rằng việc đầu tư vào bất động sản ở London là rủi ro, mang tính đầu cơ hay không phù hợp với tòa thánh.
Ông thậm chí đã đệ đơn kiện Tòa Thánh ở London để có được phán quyết cuối cùng rằng ông, Athena và các công ty khác đều "hành động có thiện chí" trong mọi giao dịch với Vatican cũng như các thiệt hại và thua lỗ có thể xảy ra đều 'nằm ngoài ý muốn'.
Từ lâu, các khoản giao dịch với tòa thánh nói riêng và các tổ chức tôn giáo nói chung luôn là vấn đề gây 'đau đầu' cho các tập đoàn tài chính và ngân hàng lớn do tính chất phức tạp liên quan đến tôn giáo và truyền thông.