Toàn cảnh đường kết nối di sản văn hoá du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng sắp mở qua huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng có tổng chiều dài gần 56 km, trong đó có một phần đi qua huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

 Sơ đồ tuyến đường di sản qua huyện Khoái Châu.

 Tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng có tổng chiều dài gần 56 km. Dự án đi qua địa phận ba huyện, một thành phố bao gồm huyện Văn Giang, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động và TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Trong ảnh: Tuyến đường di sản từ huyện Văn Giang đi sang địa bàn huyện Khoái Châu, đoạn giáp ranh giữa các xã Mễ Sở và Bình Minh.

 Tuyến đường có điểm đầu tại ranh giới tỉnh Hưng Yên và Hà Nội trên đường ĐT 378 (đê sông Hồng), xã Xuân Quan, huyện Văn Giang; điểm cuối khoảng Km55+680 giao đê tả sông Hồng tại xã Tân Hưng, TP Hưng Yên. Trên địa bàn huyện Khoái Châu, tuyến đường này dài khoảng 17,9 km.

Tuyến đi qua các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử, Tứ Dân, Đông Kết, Tân Châu, Đại Tập, Liên Khê, Chí Tân, Thành Công và Nhuế Dương.

Trên địa bàn huyện Khoái Châu có 27 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia. Trong đó đang chú ý nhất là quần thể Đền Đa Hòa - Bình Minh - Dạ Trạch gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung nằm trong tuyến du lịch chính trên sông Hồng (Hà Nội - Phố Hiến). Đền Dạ Trạch gắn với các địa danh lịch sử của Triệu Quang Phục chống giặc nhà Lương. Trong ảnh: Ngoài các đoạn tuyến đi ngoài đê, đường di sản qua huyện Khoái Châu có phương án đi trong đê.

Ngoài ra, Khoái Châu còn nhiều địa danh nổi tiếng như Hàm Tử - Tây Kết nơi diễn ra các trận thắng trong kháng chiến chống quân Nguyên thời nhà Trần; Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh... Trong ảnh: Đoạn tuyến đi trong đê thuộc các xã Hàm Tử, Tứ Dân.

 Đối với hiện trạng sử dụng đất, tổng diện tích đất phải thu hồi để thực hiện tuyến đường này là gần 309 ha, trong đó, huyện Văn Giang hơn 52 ha; huyện Khoái Châu gần 104 ha; huyện Kim Động hơn 47 ha và TP Hưng Yên gần 106 ha.  

  Về quy mô xây dựng dự án, đường chính tuyến có thiết kể đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đối với đường cấp II - đồng bằng với vận tốc thiết kế 100 km/h.   

  Đường bên có thiết kế đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tương đương đường cấp IV - đồng bằng với vận tốc thiết kế 60 km/h.  

  Đoạn từ Km3+300 - Km55+680, mặt cắt ngang tuyến được thiết kế với quy mô bề rộng nền đường 43,5 m, cụ thể, chiều rộng mặt đường 21 m; chiều rộng dải phân cách giữa 6 m; chiều rộng lề đất 1 m; chiều rộng dải phân cách bên 2,5 m; chiều rộng đường gom một bên 8 m; chiều rộng vỉa hè một bên 5 m.  

  Tiến độ thi công của dự án này từ năm 2024 - 2026. 

 Về tổng mức đầu tư, theo thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư của tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng là gần 9.981 tỷ đồng, trong đó, chi phí đền bù, GPMB là gần 2.126 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 6.399 tỷ đồng; chi phí QLDA là 28 tỷ đồng; chi phí tư vấn, đầu tư xây dựng là hơn 204 tỷ đồng; chi phí khác là hơn 124 tỷ đồng và chi phí dự phòng gần 1.100 tỷ đồng.  


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.