Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902). Cầu được đặt tên là Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. |
118 năm tồn tại cây cầu đã gắn bó những thăng trầm của Hà Nội, bởi thế mà từ những câu thơ trong bài học vỡ lòng cho đến ký ức không thể nào quên của những năm 1954 lịch sử khi đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô. |
Không chỉ mang tầm ý nghĩa về lịch sử, cây cầu được xây dựng như gạch nối liền duy nhất bằng đường bộ và đường sắt giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc phía Bắc sông Hồng và trong một thời gian là cả các nước xã hội chủ nghĩa. |
Trải qua chiến tranh, cầu bị máy bay Mỹ ném bom phá hỏng nhiều nhịp và trụ lớn, phía xa là một trong 5 nhịp cầu chính vẫn còn nguyên vẹn sau chiến tranh bắc qua khu vực bãi giữa sông Hồng. |
Mới đây, tại cuộc gặp gỡ đầu xuân với giới văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết thời gian tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu khôi phục công trình có giá trị lịch sử đặc biệt, “tháp Eiffel nằm ngang của Việt Nam” - là cầu Long Biên. |
Đây là cây cầu cổ kính gồm có 5 làn, làn đường dành cho xe cơ giới có chiều rộng 2 mét, vỉa hè dành cho người đi bộ là 1 mét và làn ở giữa dành cho tàu hỏa. Năm 1924 Toàn quyền Đông Dương quy định việc lưu thông trên cầu khoa học và cụ thể như: người đi bộ chỉ được đi trên vỉa hè theo chiều ngược lại với chiều của xe cộ. Tốc độ giới hạn cho phép xe khi qua cầu là 15km / giờ; cấm đốt rác và đốt lửa trên cầu... |
Cho đến nay cây cầu vẫn còn nguyên 1 đường dành riêng cho tàu hỏa, 2 làn dành cho phương tiện giao thông và 2 làn dành cho người đi bộ, tuy nhiên do tuổi thọ của cầu và cầu trúc cầu không đảm bảo an toàn cho xe trọng tải lớn nên cả hai hướng lên cầu đều cấm tất cả các loại ô tô. |
Cây cầu bằng sắt giờ đã bộc lộ dấu vết của thời gian qua hình hài rỉ sét |
Hơn 1 năm trước cây cầu đã trải qua cuộc đại tu sửa lớn để đảm bảo an toàn đường sắt và đường bộ trên cầu. |
Thế nhưng cho đến nay cây cầu vẫn thể hiện rõ sự "già yếu" của mình. |
Những thanh gỗ cũ kỹ... |
... đến cả lan can cầu cũng không còn chắc chắn. |
Ngoài việc là cầu nối giữa khu vực ngoại ô với vùng trung tâm Hà Nội, cầu Long Biên còn là điểm thủ hút sự quan tâm của khách du lịch và các bạn trẻ với vẻ cổ kính có một không hai tại Hà Nội. |
Một số đôi bạn trẻ đang yêu còn dùng những chiếc khóa "cố định" tình yêu trên chiếc cầu lịch sử như mong muốn một tình yêu trường tồn với thời gian. |
Trên cầu những người nông dân bãi giữa sông Hồng và những vùng lân cận thường bày bàn ngô, chuối, rau hay có khi là cá, ốc... khiến cây cầu còn có thêm nhiều ... chợ cóc. |
Trên cầu chợ cóc hàng rong, thì phía dưới cầu là một khu chợ lớn. Chợ đầu mối Long Biên cung cấp hoa quả cho toàn bộ khu vực thành phố Hà Nội. |
Nhịp sống hối hả giao thoa với nhịp sống chậm ở cây cầu trăm tuổi. |
Đã biết bao nhiêu thế hệ đã từng sống bên cạnh cầu Long Biên lịch sử, đối với nhiều người cầu bắc ngang qua nhà thì ồn ào bất tiện, nhưng đối với những người ở đây cầu Long Biên lại êm dịu và sâu lắng đến vô cùng. |
Đêm xuống hình bóng cây cầu cứ chìm dần vào trong bóng tối, chỉ nhìn thoáng những nhịp cầu hoen gỉ mờ ảo dưới những ánh đèn vàng. Chắc hẳn việc khôi phục cầu Long Biên, cùng với việc xây dựng nhà hát hoa sen (tại Cầu Giấy) và nhà hát Opera tiêu chuẩn thế giới sẽ là một trong những điểm hẹn văn hóa phục vụ người dân và du khách. |