Tổng công ty có vốn 6.800 tỉ đồng sắp chuyển sàn sang HNX kinh doanh ra sao?

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo chấp thuận niêm yết đối với 680 triệu cổ phiếu DTK của Tổng công ty Điện lực TKV. Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Điện lực TKV đạt 19.975 tỉ đồng, giảm 1.957 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.

Cổ phiếu DTK chuyển sàn sang niêm yết HNX

Ngày 13/11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ra quyết định chấp thuận niêm yết đối với Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP (Vinaconmin TKV - Mã: DTK). Theo đó, công ty sẽ chuyển toàn bộ 680 triệu cổ phiếu DTK, tương ứng tổng giá trị 6.800 tỉ đồng, từ thị trường UPCoM sang sàn HNX. 

Điện lực TKV được Bộ Công Thương thành lập ngày 21/10/2009, ban đầu là Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Năm 2016, Điện lực TKV chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 6.800 tỉ đồng, trong đó Vinacomin nắm giữ tới 99,6% vốn cổ phần. Từ thời điểm cổ phần hoá đến nay, công ty chưa thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn. 

Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Điện lực TKV gồm hai mảng chính là sản xuất, truyền tải, phân phối điện và sản xuất, phân phối than; ngoài ra còn cung cấp dịch vụ khác như cấp quyền khai thác tài nguyên nước của Nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 5. 

Hiện nay, DTK đang là một trong 5 nhà cung cấp điện lớn nhất Việt Nam, quản lí vận hành 6 nhà máy nhiệt điện (Na Dương 1, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả 1&2, Mạo Khê, Nông Sơn) và một nhà máy thuỷ điện với tổng công suất 1.730 MW. 

Kinh doanh ra sao trước khi niêm yết HNX? 

Về tình hình kinh doanh, sau khi giảm mạnh vào năm 2016, tình hình kinh doanh của Điện lực TKV đã khởi sắc và liên tục tăng trưởng từ đó tới nay. 

Năm 2019, công ty báo cáo doanh thu thuần đạt 12.584 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kì, trong đó doanh thu bán điện chiếm tỉ trọng tới 72%. Lợi nhuận sau thuế tăng 22% lên 563 tỉ đồng. 

Doanh nghiệp vốn 6.800 tỉ đồng muốn lên sàn HNX có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Nguồn: LG tổng hợp từ BCTC của Điện lực TKV

Sang đến năm 2020, Điện lực TKV công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III với doanh thu tăng 11% lên 2.788 tỉ đồng, trong đó doanh thu hoạt động tài chính tăng 4 lần lên 48 tỉ đồng do trong quí, công ty nhận được cổ tức năm 2019 của Công ty Nhiệt điện Hải Phòng. Lợi nhuận sau thuế quí III đạt 77 tỉ đồng trong khi cùng kì lỗ gần 10 tỉ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 9.431 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 4% và 494 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 46% so với cùng kì năm ngoái. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã thực hiện 90% kế hoạch doanh thu và 87% chỉ tiêu lợi nhuận. Tỉ lệ cổ tức năm 2020 dự kiến ở mức 5%. 

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Điện lực TKV đạt 19.975 tỉ đồng, giảm 1.957 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm, nguyên nhân chính đến từ việc khấu hao tài sản cố định hữu hình. 

Doanh nghiệp vốn 6.800 tỉ đồng muốn lên sàn HNX có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính quí III của Điện lực TKV

Về cơ cấu tài chính tính đến hết quí III, công ty đang có khoản vay và nợ thuê tài chính gần 8.724 tỉ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 1.171 tỉ đồng, nợ dài hạn đến hạn trả dưới 1 năm là 1.639 tỉ đồng và nợ kì hạn 5 - 10 năm là 5.914 tỉ đồng. 

Diễn biến giao dịch cổ phiếu DTK trước khi niêm yết HNX, mã này không được giới đầu tư chú ý khi giao dịch vài nghìn đơn vị mỗi phiên. Đóng cửa phiên 17/11, giá cổ phiếu này ở 9.200 đồng/cp.

chọn
Bức tranh công nghiệp Nghệ An sau 10 năm: Từ 'vùng trũng' chuyển mình thành ngôi sao FDI của miền Trung
Từng là vùng trũng trên bản đồ công nghiệp, những năm qua Nghệ An liên tục phá kỷ lục hút vốn ngoại và tiến vào top 10 cả nước. Trong chu kỳ mới của bất động sản, tỉnh này được dự báo là ngôi sao mới dẫn dắt thị trường công nghiệp miền Trung với cuộc chơi dành cho những nhà phát triển chuyên nghiệp như VSIP, WHA Industrial và Hoàng Thịnh Đạt.